Thursday, 19 Sep 2024
Tài liệu kỹ thuật

Chủ động phòng và trị bệnh hoại tử gan tụy cấp (EMS) trên tôm

Bệnh tôm chết sớm (Early Mortality Syndrome – EMS) hay hoại tử gan tụy cấp (Acute Hepatopancreatic Necrosis Syndrome – AHPNS) là bệnh khá nguy hiểm do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra. Vi khuẩn này tích hợp với phage độc tương thích, tạo một độc tố mạnh làm phá hủy mô và làm rối loạn chức năng gan tụy trong hệ thống tiêu hóa của tôm. Đây là nguyên nhân làm tôm chết sớm trong 30 ngày đầu tiên sau khi thả, tôm thường chết với tỷ lệ cao từ 70 – 100%.

Hình 1: Vi khuẩn Vibrio paraheamolyticus gây bệnh EMS

Để phòng bệnh, người nuôi thường thực hiện giải pháp cải tạo ao đầu vụ thật kỹ, chọn con giống đạt chất lượng và đã qua kiểm dịch một số bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh EMS. Trong chu kỳ nuôi, người dân thường diệt khuẩn định kỳ bằng các hóa chất như Iodine, TCCA, … để phòng ngừa. Tuy nhiên, hiện nay với những biện pháp này có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật có lợi trong ao và khả năng lấn át vi khuẩn gây bệnh chưa đảm bảo nên tôm vẫn xuất hiện bệnh.

Do vậy, ngoài những biện pháp trên, để chủ động phòng ngừa, người nuôi cần kiểm tra (test) định kỳ mật độ vi khuẩn gây bệnh tôm thông qua các dụng cụ chuyên dụng (đĩa thạch) hoặc đến các các cơ sở/đại lý có phòng thí nghiệm (phòng lab) để kiểm tra thường xuyên nước ao và gan, ruột tôm về khả năng hiện diện của vi khuẩn gây bệnh và chủ động diệt khi cần thiết. Trong quá trình nuôi, thường xuyên bổ sung các sản phẩm ngừa bệnh về gan (bổ gan) và ruột (men tiêu hóa) định kỳ 2 lần/ngày để ngăn ngừa sự tấn công và xâm nhập của mầm bệnh vào cơ thể tôm.

Hình 2: Sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cho tôm

Nhìn cảm quan tôm nhiễm bệnh EMS thì giáp vỏ đầu ngực dễ tách rời và phần cơ thịt giữa giáp đầu ngực với thân tôm có màu trắng đục, đồng thời có điểm hoại tử trên khối gan tụy. Khi tôm bệnh cần phát hiện sớm và chủ động điều trị bằng kháng sinh thích hợp hoặc sử dụng các sản phẩm nano thảo dược sớm thì có thể cải thiện. Nếu trong thời gian điều trị 2 ngày mà không hiệu quả, có thể thu hoạch ngay khi tôm đạt kích cỡ lớn nhằm giảm thất thoát. Khi ao tôm đã bị bệnh nặng thì cần dùng trizin/chlorine 30 kg/1.000m3 để tiêu hủy và cách ly ao tối thiểu một tháng mới cải tạo để nuôi tiếp.

Hình 3: Phân biệt tôm bệnh EMS và tôm bình thường

Tóm lại, chủ động phát hiện sớm bệnh EMS cho phép người nuôi có biện pháp xử lý kịp thời, giảm tối đa thiệt hại bởi diễn biến bệnh rất nhanh và bất ngờ là điều cần thiết để nuôi tôm thành công.

Hình 4: Nano thảo dược chuyên trị các bệnh trên tôm thay thế kháng sinh

 

Đăng bình luận