Sunday, 8 Dec 2024
Tài liệu kỹ thuật Tin tức

Chủ động phòng bệnh đốm trắng trên tôm

Bệnh đốm trắng trên tôm do virus Baculovirus (tên gọi virus đốm trắng – White spot syndrome virus) gây ra, nguy hiểm không kém bệnh hoại tử gan tụy cấp (EMS) bởi khả năng chết nhanh và đồng loạt. Bệnh thường xuất hiện vào mùa lạnh và gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nuôi tôm do không có thuốc đặc trị. Do đó, để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, người nuôi cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh cụ thể như sau:

wssv

– Chọn tôm giống từ nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh, đặc biệt là không bị nhiễm virus đốm trắng (WSSV). Đảm bảo tôm giống trước khi thả nuôi đã qua kiểm dịch các mầm bệnh nguy hiểm, đặc biệt là không có dấu hiệu bệnh đốm trắng.

– Có thể áp dụng kỹ thuật sốc Formol 150 – 200ppm trong 30 phút cho đàn tôm Postlarvae trước khi đưa vào nuôi, để loại đi những cá thể yếu và mang mầm bệnh.

– Cần thực hiện kỹ khâu tẩy dọn ao nuôi để diệt virus tự do, diệt và ngăn chặn những ký chủ trung gian có mang mầm bệnh WSSV (cua, còng, tôm tự nhiên…). Hoặc dùng các loại thuốc sát trùng mạnh (formol, chlorine…) tẩy dọn ao, làm mất khả năng cảm nhiễm của virus tự do trong nước.

– Thả nuôi theo đúng mùa vụ khuyến cáo của cơ quan chức năng để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

– Ngoài ra trong quá trình nuôi cần áp dụng các công nghệ nuôi thân thiện với môi trường để phòng hiệu quả, đạt năng suất, sản lượng cao và đảm bảo chất lượng sản phẩm tôm nuôi.

Lưu ý, khi các ao xung quanh nhiễm bệnh: người nuôi cần bình tĩnh, chủ động kiểm tra sức khỏe tôm và hạn chế tối đa khả năng xâm nhập bệnh từ môi trường vào ao. Tuyệt đối không được cấp nước từ bên ngoài vào ao nuôi. Đăng chắn vật chủ trung gian truyền bệnh như cua, còng …; giăng lưới hoặc có biện pháp phù hợp để xua đuổi chim, cò, … mang mầm bệnh vào ao. Tạt sát trùng TRIZIN định kỳ 3 ngày/lần để diệt các mầm bệnh tự do trong nước. Thường xuyên bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết giúp tôm tăng sức đề kháng chống lại các mầm bệnh nguy hiểm.

Trong nuôi tôm thương phẩm, việc xảy ra dịch bệnh là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nếu người nuôi luôn chủ động và áp dụng sớm các biện pháp phòng bệnh tổng hợp thì khả năng kiểm soát và hạn chế dịch bệnh ở mức thấp nhất là điều có thể thực hiện được để có vụ tôm luôn thắng lợi.

Đọc thêm: Một số hình ảnh bệnh đốm trắng trên tôm

Đăng bình luận