Monday, 4 Nov 2024
Tin tức

Long An: Kết quả rà soát, thống kê tình hình ương nuôi cá tra giống và tôm thẻ chân trắng tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười

1. Tình hình ương nuôi cá tra giống

– Tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, người dân tự phát chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao ương cá tra giống từ năm 2017, đến cuối năm 2019 diện tích đạt trên 3.500 ha. Đến nay, diện tích đang ương nuôi cá tra giống còn khoảng 1.402 ha (tập trung nhiều nhất tại 2 huyện Tân Hưng 781 ha và Tân Thạnh 450 ha), giảm 1.957 ha so với cuối năm 2019. Trong 1.957 ha giảm này thì: có khoảng 1.072 ha diện tích ao được lắp, trả lại hiện trạng ban đầu để trồng lúa, sen, cây ăn quả hoặc nuôi thủy sản khác như cá rô, cá trê, tôm thẻ chân trắng…; khoảng 885 ha vẫn còn giữ lại ao nhưng không tiếp tục sản xuất.

– Việc bùng phát nuôi cá tra giống, tăng nhanh về diện tích và sản lượng đã làm dư thừa sản phẩm cá tra giống, mất cân đối cung – cầu đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ và hiệu quả sản xuất. Từ cuối năm 2019 đến nay, giá cá tra giống luôn ở mức thấp, dao động từ 18.000 – 25.000 đồng/kg, đa số hộ nuôi bị lỗ, số ít hộ có lãi thấp. Do nuôi cá tra giống không còn hiệu quả như trước nên một số hộ đã lắp, trả lại hiện trạng ban đầu để trồng lúa, sen, cây ăn quả hoặc nuôi thủy sản khác (1.072 ha); một số diện tích ao nuôi bỏ trống, không sản xuất (885 ha) nhưng không có tiền san lấp trả lại hiện trạng ban đầu, một số người dân vẫn còn hy vọng chờ giá cá giống tăng trở lại sẽ tiếp tục sản xuất.

– Hiệu quả kinh tế của các đối tượng thủy sản nước ngọt khác như cá rô, cá trê, ếch… không cao nên không khuyến khích được người dân nuôi các đối tượng này. Riêng đối với những hộ chuyển sang trồng cây ăn trái (chủ yếu là mít) hiện chưa cho thu hoạch nên chưa đánh giá được kết quả.

– Một số hộ dân có điều kiện về vốn nên đã cải tạo lại ao ương cá tra giống để đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng. Kết quả bước đầu có lợi nhuận khá cao.

2. Tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng

– Đến nay, tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, người dân đưa con tôm thẻ chân trắng vào nuôi trong vùng nước ngọt với tổng diện tích là 215 ha với 122 hộ, phân bố tại 5 huyện Tân Hưng, Kiến Tường, Mộc Hóa, Tân Thạnh và Thạnh Hóa, trong đó tập trung chủ yếu ở 2 huyện Tân Hưng 80,5 ha (chuyển từ nuôi cá tra giống sang nuôi tôm thẻ) với 33 hộ và Mộc Hóa 115,7 ha (có 16 ha chuyển từ nuôi cá tra giống sang nuôi tôm thẻ) với 68 hộ.

– Quy trình kỹ thuật nuôi: Các hộ dân khoan giếng tầng nông (độ sâu 30 – 40m) để lấy nước có độ mặn khoảng 4-9‰ hoặc dùng muối để nâng độ mặn (20 tấn/1000 m2) cho ao nuôi tôm. Hầu hết các hộ dân đào ao nuôi tôm đều có ao lắng để cấp nước cho ao nuôi, có ao chứa nước thải, bùn thải. Nguồn nước của ao nuôi sau khi thu hoạch tôm được xử lý để sử dụng lại cho vụ nuôi sau. Ao nuôi có hố để xi phong hút chất cặn bã ra ngoài thường xuyên, có bố trí quạt nước và sục khí đáy xung quanh ao và hệ thống nước tuần hoàn. Đa số các hộ thả giống nuôi với mật độ cao, dao động từ 100 – 300 con/m2. Có thể nói người dân nuôi tôm thẻ khu vực Đồng Tháp Mười ứng dụng quy trình nuôi tiên tiến.

– Tình hình dịch bệnh: Khu vực nuôi dọc theo Quốc lộ 62, tại xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa đã xuất hiện một số bệnh như phân trắng, mềm vỏ, quá trình nuôi không còn thuận lợi như trước, người dân thả giống với mật độ thưa hơn, số vụ nuôi ít hơn.

– Về đăng ký sử dụng điện phục vụ nuôi tôm thẻ chân trắng: đa số người dân xin chủ trương để phục vụ bơm nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

– Xử lý vi phạm: UBND huyện Mộc Hóa xử phạt vi phạm hành chính 44 trường hợp đào ao nuôi thủy sản trái phép với tổng số tiền là 474 triệu đồng; các huyện còn lại chủ yếu tuyên truyền, vận động người dân, chưa xử phạt vi phạm hành chính.

– Hiệu quả nuôi: Qua nắm thông tin từ người dân, đa số hộ nuôi tôm thẻ chân trắng có lợi nhuận khá, một số có lợi nhuận rất cao. Riêng, đối với các hộ nuôi tại huyện Mộc Hóa thì đa số có lợi nhuận cao, cụ thể như sau:

+ Chi phí đầu tư ban đầu như đào ao, trang thiết bị cho 01 ha khoảng 01 tỷ đồng; giá thành sản xuất ra 1kg tôm thương phẩm khoảng 70.000 đồng/kg, giá bán 1kg tôm thương phẩm khoảng 120.000 đồng/kg; năng suất khoảng 15 tấn/ha/vụ nuôi. Như vậy, bình quân lợi nhuận cho 1ha/vụ nuôi (03 tháng) lợi nhuận khoảng 750 triệu đồng (chưa tính khấu hao chi phí đào ao, trang thiết bị đầu tư ban đầu). Mỗi năm nuôi khoảng 03 vụ/ha, lợi nhuận khoảng 2,25 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư đào ao, trang thiết bị ban đầu, người dân còn lợi nhuận khoảng 1,25 tỷ đồng/01 ha/năm.

+ Đối với các hộ nuôi tại các huyện còn lại cũng đều có lợi nhuận nhưng thấp hơn vùng nuôi tại Mộc Hóa (chỉ bằng khoảng 50%) do mật độ nuôi thấp hơn, năng suất, sản lượng thấp hơn.

+ Nuôi tôm thẻ chân trắng bước đầu rất thuận lợi, năng suất, sản lượng cao, đầu ra của tôm thương phẩm rất thuận lợi, thương lái đến thu mua tại ao, lợi nhuận cao, nên tác động rất lớn đến các hộ dân xung quanh đào mới ao để nuôi tôm thẻ, một số diện tích ương cá tra giống được cải tạo chuyển sang nuôi tôm. Vì vậy, khả năng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới

3. Tình hình xâm nhập mặn qua các năm từ 2016-2020 trên địa bàn các huyện Đồng Tháp Mười

– Năm 2016: mặn bắt đầu xuất hiện vào tháng 1/2016 tại Cầu La Khoa, huyện Thạnh Hóa với 0,6‰, mặn cao nhất vào tháng 5 với 6,5‰, giảm dần đến giữa tháng 6/2016 hết mặn. Mặn đến Rạch Cả Bát-Kênh Cái Tôm và Rạch Đá Biên-kênh Xáng Bò Cạp. Tại huyện Tân Thạnh vào tháng 5/2016 mới xuất hiện, độ mặn thấp 0,5-1,2‰.

– Năm 2017, 2018: mặn không đến Thạnh Hóa.

– Năm 2019: đến tháng 3/2019 Thạnh Hóa mới bắt đầu xuất hiện mặn 0,5‰, sau đó hết mặn.

– Năm 2020: tháng 01/2020 bắt đầu mặn ở Cầu La Khoa-Thạnh Hóa với 0,3-0,8‰, mặn cao nhất 5,6‰ vào tháng 5, độ mặn giảm dần đến giữa tháng 6 hết mặn. Mặn đến Cầu Mộc Hóa – Thị xã Kiến Tường độ mặn 0,4-1,1‰.

Năm 2021: tháng 3/2021 mặn đến Cầu Bến Kè, Thạnh Hóa, độ mặn 0,5 – 0,7‰.

4. Đề xuất, kiến nghị

4.1. Về sản xuất cá tra giống:

Nhằm định hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả bền vững, quản lý tốt chất lượng cá tra giống, tạo đầu ra ổn định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh tiếp tục có văn bản chỉ đạo, nội dung cụ thể:

– Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp UBND các huyện rà soát lại các vùng nuôi cá tra giống theo hướng tập trung, quy mô sản xuất hàng hóa lớn, ổn định lâu dài, đáp ứng tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định, từng bước xây dựng thương hiệu về chất lượng cá tra giống của tỉnh; tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn các quy trình giải pháp kỹ thuật tiên tiến, mật độ thả nuôi phù hợp, sử dụng thuốc, hóa chất đúng theo quy định… để người nuôi có đủ thông tin và chủ động trong quá trình nuôi.

– UBND huyện rà soát lại các vùng có điều kiện phù hợp, thuận lợi nhất để định hướng cho phát triển sản xuất cá tra giống lâu dài và bền vững; hỗ trợ xây dựng các mô hình hợp tác sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tổ chức liên kết sản xuất – tiêu thụ cá tra giống giữa người dân với các doanh nghiệp nuôi cá tra thương phẩm để tạo đầu ra ổn định cho con giống.

– UBND huyện và ngành Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác quản lý về môi trường, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các giải pháp xử lý nước thải từ các ao nuôi cá đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải ra sông, rạch nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh; kiểm tra, xử lý kịp thời hoạt động chuyển đổi đất từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản không theo quy định pháp luật.

– Đề nghị các doanh nghiệp nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm quy định định pháp luật có liên quan, quan tâm phối hợp với chính quyền địa phương trong xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra giống với người dân, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp đồng thời đảm bảo đầu ra thuận lợi và ổn định cho người dân ương nuôi cá tra giống.

4.2. Về nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt:

Việc người dân đào ao, khoan giếng lấy nước mặn, bổ sung muối tạo môi trường nước mặn để nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, bước đầu thuận lợi trong quá trình nuôi, một số hộ có lợi nhuận rất cao so với sản xuất các loại cây trồng khác.

Theo đánh giá tại hội thảo khoa học về nuôi tôm thẻ chân trắng vùng Đồng Tháp Mười tại huyện Mộc Hóa năm 2020 thì việc đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi ở vùng nước ngọt hoàn toàn không phù hợp về đặc điểm sinh học, sự phát triển tự nhiên hài hòa của vùng; sẽ có những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài, tác động tiêu cực đến mạch nước ngầm do khai thác quá mức, thiếu nước vào mùa khô, gây sụt lún đất đai; việc xả thải, thẩm thấu nước nhiễm mặn từ các ao nuôi ra môi trường bên ngoài gây nhiễm mặn cho vùng nước ngọt, ảnh hưởng đến sản xuất lúa và các cây trồng khác. Bên cạnh đó, hạ tầng cho nuôi tôm không phù hợp, chi phí đầu tư trong quá trình nuôi cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh mọi thời điểm và khó kiểm soát dẫn đến rủi ro thiệt hại lớn cho người dân.

Từ thực tiễn hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười, nhằm đánh giá toàn diện những rủi ro, tác động của việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, Sở Nông nghiệp và PTNT kiến nghị UBND tỉnh một số nội dung:

– Đồng ý chủ trương và bố trí kinh phí cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với sở, ngành, địa phương và viện trường thực hiện một số nội dung:

+ Kiểm tra, thu mẫu phân tích đánh giá sự nhiễm mặn của đất ở những ao đã nuôi tôm thẻ chân trắng, đất xung quanh khu vực nuôi tôm, trên sông rạch vì theo ý kiến của các hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng là do sử dụng hệ thống nước tuần hoàn, công nghệ nuôi tiến tiến và con giống đã được thuần ngọt nên không tác động đến môi trường xung quanh.

+ Đánh giá toàn diện và thiết lập bản đồ thổ nhưỡng vùng Đồng Tháp Mười để có khuyến nghị cho người dân. Trong đó xác định loại đất của từng vùng phù hợp với từng cây trồng, vật nuôi, trong đó phải đánh giá được những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là xâm nhập mặn, có những cảnh báo, đề xuất để giải quyết bài toán về mặn, ngọt. Xác định nước ngọt, nước lợ, nước mặn đều là tài nguyên phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, những vùng hiện tại và khả năng bị ảnh hưởng lâu dài của xâm nhập mặn cần nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng thủy sản – trái cây – lúa, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng.

+ Đánh giá hiệu quả việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi ở trên đất lúa thời gian qua và định hướng phát triển nông nghiệp bền vững cho khu vực Đồng Tháp Mười giai đoạn 2021-2030.

– Tiếp tục chỉ đạo  UBND huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục đào ao mới, chuyển đổi từ ao nuôi cá tra giống sang nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn; những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm chân trắng trong vùng nước ngọt; việc sử dụng nước mặn từ giếng khoan, bổ sung thêm muối để nuôi tôm làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất nông nghiệp vùng nước ngọt; kiểm tra, xử lý kịp thời hoạt động chuyển đổi đất từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản không theo quy định pháp luật.

Đăng bình luận