Thursday, 18 Apr 2024
Tài liệu kỹ thuật Tin tức

Cách dùng chế phẩm E.M để nuôi tôm quảng canh cải tiến

1/ Thiết kế hệ thống vuông nuôi

– Ao ương: Diện tích từ 500-1.000 m2 , chiếm 5-10 % diện tích nuôi.

– Bờ bao xung quanh: cao hơn mực nước triều cao nhất trong năm, tránh rò rỉ.

– Mương bao: có diện tích chiếm > 30% diện tích vuông nuôi tôm. Độ sâu 1-1,2 m, khoảng cách bờ và mặt trảng 3-5 m. Đảm bảo mực nước trên trảng 0,5-0,6 m. Ngoài mương bao xung quanh vuông nuôi cần thiết kế thêm các mương xương cá chiều rộng từ 1.5-2 m để tăng diện tích trú ẩn cho tôm nuôi khi thời tiết thay đổi và nắng nóng.

– Cống: làm bằng xi măng có từ 1 – 2 cống, khẩu độ 0,6-0,8 m. (Tùy theo vùng mà thiết kế có hay không có cống).

2/ Cải tạo ao

– Bón vôi: dùng vôi CaO 250-300 kg/ha (vùng đất phèn nặng liều lượng vôi có thể tăng lên gấp đôi)

– Phơi nắng: 7-10 ngày

– Cấp nước: qua túi lọc, đạt mực nước 1,2m

– Diệt tạp: khi mực nước 10 – 15 cm thì diệt tạp bằng dây thuốc cá (5-7 kg/1.000m3) hoặc saponin (10-15 kg/1.000m3).

– Diệt khuẩn: BKC hoặc Iodine (1 lít/5.000m3).

– Gây màu: Đối với những vuông khó gây màu nước có thể bổ sung thêm bột cá, bột đậu nành, cám mịn với lượng: 2kg bột đậu nành + 1kg cám + 1kg bột cá, nấu chín, sử dụng cho 1.000 m3. Hỗn hợp này có thể ủ với men EM gốc với liều lượng 1 lít + 03 kg mật đường sử dụng trên 100 lít nước, ủ yếm khí 5-7 ngày. Tạt xuống ao vào buổi sáng 9-10 giờ sáng. Tạt xuống ao hổn hợp này 2-3 ngày liên tiếp, khi màu nước chuyển sang màu đọt chuối hoặc nâu trà, kiểm tra các yếu tố môi trường pH 7.5-8.5 và Kiềm >100 ppm, độ trong (30-40 cm) thì tiến hành thả tôm.

– Đo môi trường: kiểm tra các thông số cơ bản như: pH từ 7,5 – 8,5, độ kiềm từ khoảng 100 – 150 mgCaCO3/lít, độ mặn 10 ‰-25 ‰, độ trong từ 30-40 cm là phù hợp.

– Thả giống:

+ Thời vụ thả nuôi: Vụ  1 vào  tháng 1,2 (DL); vụ 2 tập trung tháng 5,6 (DL).

+ Tiêu chuẩn chọn giống tôm: tôm khỏe mạnh, bơi lội nhanh nhẹn, phản xạ tốt. Gan và ruột đầy đặn, không có dấu hiệu nhiễm. Sốc tôm với nước ngọt nếu tỷ lệ sống trên 90% là đạt yêu cầu.

+ Mật độ thả: Mật độ ương từ 40-60 con/m2; Mật độ nuôi: 6-8 con/m2/năm. (Lần đầu thả 3 con, lần tiếp theo 1-2 con/m2); Số lần thả: 3 lần/năm.

3/ Phương pháp ương tôm

Cho ăn:

Theo dõi khả năng tiêu tốn thức ăn của tôm để điều chỉnh cho phù hợp, thông thường lượng thức ăn cho ngày đầu 0,4 – 0,6 kg/100.000 post và tăng lên 50-100 gr cho các ngày tiếp theo (ngày tăng ngày không tăng). Cho ăn 2-3 cử ngày bằng thức ăn công nghiệp có độ đạm cao 40%. Định kỳ bổ sung men tiêu hóa và vitamin C, betaglucan, men tiêu hóa giúp tăng cường sức khỏe tôm.

Quản lý chất lượng nước

– Trong thời ương cần tăng cường quản lý, chăm sóc tôm nuôi, theo dõi các yếu tố môi trường ao ương (pH, độ kiềm) hằng ngày để kịp thời xử lý hiệu quả.

– Không thả tôm khi: 7.5 < pH < 8.5 và dao động vượt quá một đơn vị.

+ pH cao >8.5 sử dụng 1 lít EM gốc + 3-5 kg mật đường/1.000 m3 để ổn định chất lượng nước. Tăng cường đánh đến pH ổn định nằm khoảng (7.5-8.5).
+ pH thấp <7.5 sử dụng CaCO3/Dolomite 20-30 kg/1.000 m3 hoặc vôi đá 10-15 kg/1.000 m3.
+ pH dao động vượt quá 0.5 đơn vị/ngày nên tăng cường đánh vôi Dolomite 15-20 kg/1000 m3 kết hợp EM gốc + 3-5 kg mật đường/1.000 m3 để giảm tảo và ổn định chất lượng nước.
+ Kiềm thấp <100 ppm tăng cường đánh Dolomite 20 kg + Soda bicarbonat 15 kg/1000 m3.

Cách chuyển tôm từ ao ương sang vuông nuôi

– Kiểm tra môi trường cả hai ao (ao ương và vuông) để hạn chế tôm bị sốc: độ mặn, pH, độ kiềm…
– Vuông nuôi cần đảm bảo màu nước, độ trong, các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt.
– Nên chuyển tôm vào chiều tối, thời tiết thuận lợi. Đối với tôm sú chuyển tôm bằng cách đào mương từ ao ương để cho tôm tự qua hoặc chài, đặt lú chuyển sang.
– Trước khi sang tôm 5 – 7 ngày phải bổ sung các loại dinh dưỡng như: Vitamin C, men tiêu hóa, khoáng, …nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm.

4/ Giai đoạn chăm sóc và quản lý tôm ở vuông nuôi

Cho tôm ăn:       

+ Ủ lên men hỗn hợp: 20 kg cám gạo + 3 kg mật đường + 1 lít EM gốc + 100 lít nước ủ hỗn hợp này trong 24 giờ, sử dụng 1 ha mặt nước. Tần suất đánh xuống ao 1 tuần/lần.
+ Thức ăn viên: cho ăn 0,5-1% trọng lượng thân/ngày. Cho ăn 1-2 lần/ngày.

Chất lượng nước:

– Định kỳ 1 tuần kiểm tra các yếu tố môi trường để điều chỉnh khi có biến động.
– Định kỳ 10-15 ngày ủ vi sinh EM hoặc sử dụng vi sinh xử lý nước luân phiên giữa vi sinh phân hủy đạm (EM probio) và vi sinh phân hủy H2S (sử dụng PSB gốc để ủ) để kiểm soát nền đáy ao và chất lượng nước.

EM đậm đặc

E.M bố mẹ Probio

Psb gốc

Quản lý sức khỏe tôm:

Định kỳ 15 ngày/lần kiểm tra tình trạng sức khỏe của tôm bằng cách đặt lú hoặc chài. Quan sát bên ngoài, cân đo trọng lượng và kích thước nhằm kịp thời xử lý khi thấy xuất hiện các dấu hiệu nhiễm bệnh.

Thu hoạch

– Sau thời gian 3 tháng nuôi có thể tiến hành thu tỉa những con đạt trọng lượng thương phẩm bằng lú thưa.
– Thu hoạch hàng tháng theo con nước thủy triều.
– Thu hoạch dứt điểm sau mỗi vụ nuôi bằng lú dày đặt ở miệng cống.

Đăng bình luận