Sunday, 8 Dec 2024
Tài liệu kỹ thuật

EM đậm đặc – Chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản – Dũng cá

1. Tổng quan về dung dịch EM gốc:

– Công nghệ vi sinh hữu hiệu – EM là một công nghệ sinh học hiện đại, đa tác dụng và an toàn được phát minh bởi các nhà khoa học Nhật bản trong những năm 80, đứng đầu là GS.TS. Teruo Higa. Đến nay đã phát triển và được nghiên cứu ứng dụng rất thành công

EM là tên viết tắt của Effective Microorganisms, có nghĩa là vi sinh vật hữu hiệu, là tập hợp các loài vi sinh vật có ích (khoảng 80 loài vi sinh vật cả kỵ khí và hiếm khí) bao gồm vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn lactic, nấm men, xạ khuẩn, nấm mốc. Sống cộng sinh trong cùng môi trường, tạo ra một hệ thống vi sinh thái với nhau. Chúng hỗ trợ lẫn nhau, cùng sinh trưởng và phát triển.

– Vi khuẩn quang hợp: Tổng hợp ra chất hữu cơ từ CO2 và H20

– Xạ khuẩn: Sản sinh chất kháng sinh ức chế vi sinh vật gây bệnh và phân giải chất hữu cơ

– Vi khuẩn lactic: Chuyển hoá thức ăn khó tiêu thành thức ăn dễ tiêu

– Nấm men: Sản sinh vitamin và các axit amin.

Trong chế phẩm EM, loài vi sinh vật hoạt động chủ chốt đó là vi khuẩn quang hợp. Sản phẩm của quá trình trao đổi ở vi khuẩn quang hợp lại là nguồn dinh dưỡng cho các vi sinh vật khác như vi khuẩn lactic và xạ khuẩn. Mặt khác vi khuẩn quang hợp cũng sử dụng các chất do vi sinh vật khác sản sinh ra. Hiện tượng này là “Cùng tồn tại và hỗ trợ cho nhau”.

Chế phẩm EM được điều chế ở dạng nước và dạng bột (dạng nước gọi là dung dịch EM, dạng bột gọi là EM Bokashi). Thông thường có các loại EM sau đây:

– EM1 là dung dịch EM gốc, chủ yếu để điều chế các dạng EM khác

– EM thứ cấp là dung dịch EM có tác dụng phân giải các chất hữu cơ, khử trùng, làm sạch môi trường. Cải thiện tính chất hoá lý của đất, tăng trưởng vật nuôi…

– EM5 là dung dịch EM có tác dụng tăng cường khả năng đề kháng cho tôm nuôi và được dùng để cắt tảo 

– EM FPE (gọi là EM thực vật Fermented plant extract) là dung dịch EM có tác dụng kích thích sinh trưởng cây trồng và tăng năng suất, chất lượng cây trồng.

– EM-Bokashi có nhiều loại, dạng bột, như là Bokashi môi trường, Bokashi phân bón, Bokashi – thức ăn chăn nuôi… Có tác dụng phân giải các chất hữu cơ, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, cải tạo đất; tăng trưởng cây trồng và vật nuôi, chăn nuôi hạn chế dịch bệnh, làm sạch môi trường.

– Ngoài ra còn có EM.X mà ở nhiều nước sử dụng để điều chế các thực phẩm chức năng và dược phẩm, mỹ phẩm phục vụ chăm sóc sức khoẻ con người.

2. Tác dụng của EM:

EM vừa là một loại phân bón vi sinh, vừa là một chất kích thích sinh trưởng cây trồng và vật nuôi, vừa là một loại nông dược phòng ngừa dịch bệnh, vừa là chất khử trùng và làm sạch môi trường… EM có tác dụng chủ yếu sau đây:

– Xử lý bùn đáy ao nuôi tôm, tiêu hủy thức ăn thừa còn tồn đọng, giảm thiểu bệnh và các loại khí độc. Giúp các loại tảo có lợi cho tôm phát triển, cân bằng và duy trì độ pH cho nước ao nuôi tôm, giúp tôm lớn khỏe mạnh…

– EM thúc đẩy quá trình phân giải chất hữu cơ, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh vật có ích trong đất, hạn chế hoạt động của vi sinh vật hại. Qua đó góp phần cải tạo đất, nâng cao độ phì của đất một cách bền vững, tăng nguồn dinh dưỡng dễ hấp thụ cho cây trồng.

– EM làm giảm mùi hôi thối, khử trùng, giảm các chất độc hại và ruồi muỗi trong môi trường do đó có tác dụng làm sạch môi trường, nhất là môi trường nông thôn.

– EM làm tăng cường khả năng quang hợp của cây trồng, thúc đẩy sự nảy mầm phát triển, ra hoa quả, kích thích sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi. Làm tăng khả năng đề kháng và tính chống chịu, qua đó góp phần tăng năng suất và phẩm chất cây trồng, gia súc và thuỷ sản, nhưng lại rất an toàn với môi trường và con người.

– EM hạn chế, phòng ngừa nguồn dịch bệnh của cây trồng và vật nuôi.

– Khử mùi và làm sạch môi trường sau thiên tai, lũ lụt trên diện rộng, giúp khử mùi, làm sạch nước, tiêu hủy xác động vật, gia súc chết trong lũ với chi phí thấp, hiệu quả cao, và thân thiện với môi trường.

Do những tác động trên, EM có thể sử dụng rất rộng rãi trong phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản, trong làm sạch môi trường. Góp phần tạo lập sự bền vững cho nông nghiệp và môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

3. CÁCH LÀM EM THỨ CẤP:

a. Dung dịch EM1 (sản phẩm EM đậm đặc):

Nguyên liệu tạo EM1 từ EM đậm đặc: 01 lít EM đậm đặc + 2 lít rỉ đường + 20 lít nước sạch = 25 lít men vi sinh EM1 (cho vào can, đấy kín nắp, ủ ttrong 72h)
– Dung dịch EM1 gốc là chất lỏng có màu nâu vàng với mùi dễ chịu, nếm có vị chua ngọt. Độ pH < 3,5 – 4,0;
– Nếu dung dịch có mùi thối, hoặc độ pH > 4,0 thì được coi là EM hỏng và không dùng được;
– Bảo quản EM1 ở nhiệt độ bình thường, ổn định, tránh ánh sáng trực tiếp. Thời gian bảo quản từ 6 tháng đến 1 năm.
– Dung dịch EM1 được dùng để pha chế ra các loại EM khác.

Dung dịch EM1 (EM gốc) có màu rất đẹp

b. Dung dịch EM2:

Nguyên liệu tạo EM2 từ EM1: 01 lít EM1 + 2 lít rỉ đường + 20 lít nước sạch = 25 lít EM2 (cho vào can, đấy kín nắp, ủ ttrong 72h)
Cách pha chế:
– Hòa trộn đều, đổ vào can nhựa, đậy kín, để nơi tránh ánh nắng trực tiếp, ủ lên men sau 3 ngày là dùng được. EM2 có mùi thơm, có 1 lớp men ở trên, độ pH<4.
Sử dụng và bảo quản:
– EM2 có tác dụng phân giải các chất hữu cơ, khử trùng, làm sạch môi trường, cải thiện tính chất hóa lý của đất, tăng trưởng vật nuôi, chống quá trình oxy hoá. EM2 được sử dụng trong suốt quá trình nuôi tôm.

– xử lý đáy ao: 10 lít EM2/1.000 m2

– xử lý nước: 5 lít EM2/1.000 m3, định kỳ 7 ngày/lần, khi tôm lớn tăng số lần sử dụng.
– Trước khi thả 2 ngày ủ 20 lít EM2 + 5 kg thức ăn (mã số 01) để bón xuống ao.
– Trong suốt quá trình nuôi, định kỳ 4 -7 ngày/lần dùng EM2 để tăng lượng vi sinh vật hữu hiệu trong nước, ổn định môi trường ao nuôi, ổn định sự phát triển của tảo.
– Dùng EM2 để xử lý nước thải khi có mùi nặng.
– EM2 được sử dụng càng nhanh càng tốt. Bảo quản EM2 trong can nhựa kín, đặt nơi mát dùng trong vòng 30 ngày.

c. Dung dịch EM5:

Nguyên liệu tạo EM5 từ EM1: 01 lít EM1 + 1 lít rỉ đường + 1 lít dấm + 2 lít rượu (35 -400)
+ 8 lít nước sạch = 13 lít EM5 (cho vào can, đấy kín nắp, ủ ttrong 72h)
Cách pha chế:
– Trộn rỉ đường với nước, có thể sử dụng nước ấm để hòa tan nhanh rỉ đường.
– Đổ rượu, sau đó cho EM1.
– Rót dung dịch hỗn hợp vào can nhựa (hoặc thùng) đậy nút kín. Đổ đầy can rồi ủ từ 5-7 ngày. Khi thùng chứa có nhiều khí lên men, thường xuyên mở nắp để xả gas, sau đó đóng chặt lại như cũ.
– EM5 có thể sử dụng khi gas không còn sinh ra nữa. EM5 có chất lượng tốt khi cho mùi thơm, ngọt (mùi ester/rượu).
Sử dụng và bảo quản:
– EM5 có tác dụng tăng cường khả năng đề kháng cho tôm nuôi. EM5 được dùng để cắt tảo với liều dùng từ 20 – 30ppm, dùng vào lúc chiều tối.

– Xử lý đáy ao: 5 lít EM5/1.000 m2

– Xử lý nước: 4 lít EM5/1.000 m3, định kỳ 7 ngày/lần, khi tôm lớn tăng số lần sử dụng.
Lưu ý: Khi tảo chết độ pH sẽ xuống thấp, tăng lượng EM2 vào hồ để ngăn chặn ô nhiễm do tảo chết gây ra và điều chỉnh độ pH.
– EM5 cần được bảo quản ở nơi tối, mát, có nhiệt độ ổn định, tránh ánh sáng mặt trời. Không được bảo quản trong tủ lạnh.
– EM5 sử dụng trong vòng 3 tháng sau khi pha chế.

d. EM tỏi:

Nguyên liệu tạo EM tỏi từ EM5: 01 lít EM5 + 1kg tỏi xay + 8lít Nước sạch = 10 lít EM tỏi
– Xay tỏi rồi trộn đều hỗn hợp này, để lên men 5 ngày, sau đó chắt lấy nước đem sử dụng. Trong đó EM5 được chế tạo như EM5 thông thường nhưng không có thành phần nước tham gia.
– EM tỏi có tác dụng tăng cường khả năng đề kháng cho tôm nuôi và phòng bệnh đường ruột. Khi cần sử dụng, trộn 50-100ml/kg thức ăn, cho ăn đến khi tôm bình thường mới ngưng.

e. EM chuối:

Nguyên liệu tạo EM chuối từ EM2: 01 lít EM2 + 1kg chuối xay + 8lít  Nước sạch = 10 lít EM chuối

– Xay chuối rồi trộn đều hỗn hợp này, để lên men 2-3 ngày, sau đó chắt lấy nước đem sử dụng.

– EM chuối có tác dụng tăng cường vitamin cho tôm nuôi, tăng sức đề kháng cho tôm. Trộn 50-100ml/kg thức ăn.

Dũng cá – 0909.633.190

2 Comments

Đăng bình luận