Thursday, 12 Sep 2024
Tin tức

Một số biện pháp phòng bệnh cho tôm

Tôm là động vật sống dưới nước, do vậy việc kiểm tra và phát hiện bệnh khó khăn hơn nhiều so với động vật sống trên cạn. Vì vậy để nuôi tôm đạt hiệu quả tốt, ngoài việc thực hiện đúng kỹ thuật nuôi, người nuôi còn phải theo dõi tình hình hoạt đông của tôm và vận dụng biện pháp phòng trị thích hợp. Muốn phòng bệnh cho tôm đạt hiệu quả người nuôi cần thực hiện các nguyên tắc cơ bản sau:

Hình: tôm bệnh gan và đốm đen

1. Vệ sinh ao đầm sạch trước mỗi vụ nuôi nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm từ đáy ao: sên bùn tích tụ ở đáy ao do thức ăn, xác tảo dư thừa ở vụ nuôi trước để lại. Bón vôi kết hợp phơi đáy ao nhằm tiêu diệt mầm bệnh, nấm, rong, rêu và các ký chủ trung gian mang mầm bệnh làm cho tôm dễ nhiễm bệnh phân trắng và đốm trắng.

Nước cấp vào ao nuôi phải qua túi lọc bằng lưới hoặc vải, nguồn nước không bị ô nhiễm phù sa hoặc thuốc trừ sâu. Đặc biệt trước khi thả tôm giống phải gây màu nước vì màu nước làm thức ăn tự nhiên cho tôm.

2. Chọn tôm giống tốt và không mang những bệnh nguy hiểm như: virus đốm trắng (WSSV), virus còi (MBV), virus đầu vàng (HPV) và bệnh TAURA trên tôm thẻ chân trắng.

3. Mật độ nuôi thích hợp sẽ hạn chế sự ô nhiễm trong quá trình nuôi và sự lây lan bệnh, mật độ thích hợp cho mô hình nuôi quảng canh cải tiến là 6-8 con/m2, bán thâm canh là 15-25 con/m2.

4. Cho ăn đảm bảo đủ chất lượng, số lượng và cần phải cung cấp thêm một số loại thức ăn bổ sung như: Men tiêu hóa, Vitamin C, Premix (khoáng)… nhằm góp phần làm cho tôm dễ hấp thu thức ăn, tăng sức đề kháng , dễ lột xác và nhanh phát triển.

5. Quản lý chất lượng nước tốt nhất là quản lý các yếu tố môi trường như: pH, oxy hòa tan, độ kiềm, độ trong, độ phèn và khí độc NH3 phải trong ngưỡng thích hợp của tôm nhằm tạo điều kiện cho tôm sinh trưởng nhanh.

6. Định kỳ 7-10 ngày/lần sử dụng các chế phẩm sinh học làm sạch nước và đáy ao nuôi tôm.

7. Vào những ngày trời mưa, áp thấp nhiệt đới kéo dài nên sử dụng thêm: Oxytagen (hóa chất cung cấp oxy cho nước); vôi Daimetyl; Zeolite; hoặc EDTA nhằm giúp cho tôm không bệnh vàng mang hoặc nổi đầu.

8. Ngoài ra trong quá trình nuôi tôm, đặc biệt tôm thẻ chân trắng nên sử dụng kháng sinh chiết xuất từ tỏi trộn vào thức ăn nhằm phòng bệnh đỏ thân, bệnh cụt râu, bệnh đường ruột cho tôm … Mỗi ngày cho tôm ăn 1- 2 cử, cho ăn liên tục 5-7 ngày, liều lượng 15 ml/kg thức ăn và mỗi đợt ngưng 15 ngày mới cho tôm ăn lại.

9. Trong quá trình nuôi tôm đa số người nuôi sử dụng các loại hóa chất để diệt vi khuẩn, virus trong ao nuôi nhằm phòng và trị mốt số bệnh do vi khuẩn gây ra. Do đó khi chọn hóa chất diệt khuẩn người nuôi cần chọn theo một số nguyên tắc sau:

– Chọn hóa chất có tính sát trùng cao và chọn lọc thấp

– Chọn hóa chất có biên độ an toàn cao, vì các loại hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản rất khó xác định liều lượng chính xác.

– Chọn hóa chất ít độc cho người và vật nuôi.

– Chọn hóa chất chất lượng tốt và dễ kiếm.

Trên đây là một số biện pháp phòng bệnh trên tôm nhằm giúp người nuôi tham khảo và áp dụng trong quá trình nuôi để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Dũng cá

Đăng bình luận