Friday, 26 Apr 2024
Tài liệu kỹ thuật

Kinh Nghiệm Nuôi Cá Rô Đồng, Sặc Rằn Mùa Lũ Năm 2019

Anh Nguyễn Thanh Nhanh, tổ trưởng tổ hợp tác nuôi cá Ấp Bình Đông, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa là người đi đầu trong phong trào nuôi nuôi cá rô đồng, sặc rằn mùa nước nổi. Cho đến hiện tại anh đã có 9 năm kinh nghiệm với nghề, anh cho biết vùng Đồng Tháp Mười với đặc điểm mùa nước lũ tràn về từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch hàng năm, đây là thời điểm mà phong trào đánh bắt cá tự nhiên phát triển. Người dân địa phương nơi đây chủ yếu giăng lưới, đóng đáy, bắt ốc bưu vàng bán lại cho các hộ nuôi cá. Chính thời điểm này nguồn cá mồi rẻ và dồi dào là điều kiện để phát triển phong trào nuôi này.

Phong trào nuôi cá rô đồng tại ấp Bình Đông bắt đầu từ năm 2000 và phát triển đến năm 2004 mới vào tổ hợp tác. Từ năm 2000 đến 2008, diện tích nuôi luôn tăng nhưng đến năm 2019 thì diện tích sụt giảm vì giá thức ăn cao, nhiều hộ bỏ nuôi. Theo anh, lý do mà các hộ ở tổ chọn nuôi đối tượng này vì năng suất cao 20-30 tấn/vụ. Cá rô đồng có thể nuôi từ 1 đến 2 vụ trong năm tùy theo điều kiện của mỗi hộ. Vụ 1 (hay vụ thuận) từ tháng 5 âm lịch bắt đầu ương giống và nuôi tới tháng 11 là có thể thu hoạch. Các hộ không nuôi vụ 2 (vụ nghịch) thì sạ lúa Đông Xuân. Các hộ khác nuôi tiếp vụ 2 thả nuôi từ tháng 11 và thu hoạch khỏang tháng 4 âm lịch.
Năm rồi, vụ thuận với diện tích 5000m2 anh thả 400 kg giống, sau 6 tháng thu hoạch được 13 tấn, giá bán 26.000đ/kg, sau khi trừ chi phí thì huề vốn. Còn vụ nghịch vì ương sớm nên anh thu vào khoảng tháng 2 với sản lượng 11 tấn, giá bán 30.000 đ/kg, anh lãi 50-60 triệu. Vụ thuận năm nay, anh thả vào giữa tháng 5 âm lịch, với diện tích cũng 5000m2 anh tự chích cho cá đẻ, thả khoảng 4 triệu bột, ương với tỉ lệ sống khoảng 30%, đến nay cá đạt 3 tháng tuổi, phát triển tốt, ước khoảng 20 con/kg.
Mặc dù điều kiện tự nhiên mùa lũ rất thuận lợi cho nuôi cá phát triển nhưng anh cho biết cá trong mùa thuận thời gian nuôi khoảng 6 tháng trong khi đó, mùa nghịch thì chỉ 4 đến 4,5 tháng là có thể cho thu hoạch. Bởi vì nuôi vụ thuận mưa nhiều, nước phèn, vì vậy phải xử lý nước nên cá chậm lớn. Bên cạnh đó, nuôi vụ thuận lãi không cao vì lũ về, cá đồng và cá tự nhiên nhiều nên bị dội chợ. Tuy nhiên, lũ về thì nguồn cá mồi làm thức ăn cho cá rẻ, chi phí thuốc men ít tốn vì nước sạch, nhưng giá không cao nên lãi thấp. Mùa nghịch nuôi đạt hơn vì ít người nuôi và cá tự nhiên ít nên bán được giá, người nuôi có lãi.
Với kinh nghiệm nhiều năm, theo anh để nuôi cá đạt hiệu quả cao thì người nuôi cần lưu ý kỹ thuật cho ăn và cách chăm sóc, quản lý ao nuôi. Anh cho biết nuôi mùa thuận không cần thức ăn công nghiệp (TACN), chủ yếu là thức ăn chế biến (TACB) từ cám và cá tạp. Cho ăn bằng TACN người nuôi không có lời vì giá TACN là 15.000 đ/kg, tốn 2 kg thức ăn mới được 1 kg cá, như thế với giá bán 30.000đ/kg thì người nuôi huề vốn. Còn nếu nuôi bằng TACB thì để được 1 kg cá chỉ tốn khoảng 20 ngàn đồng tiền thức ăn, như vậy người nuôi mới có lãi. Đối với nuôi mùa nghịch thì 2 tháng đầu người nuôi nên cho ăn TACB vì giai đoạn này cá đồng còn, 2 tháng sau cho ăn TACN là có thể xuất bán. Về khâu chăm sóc và quản lý ao nuôi, anh cho biết mùa thuận mưa nhiều, lượng phèn nhiều nên cần xử lý vôi. Còn vụ nghịch chỉ cần dằng nền đáy bằng Zeolite là có thể đảm bảo điều kiện môi trường tốt cho cá phát triển.
Vấn đề trăn trở nhất của anh và nhiều hộ nuôi trong tổ hiện nay là nguồn vốn cho sản xuất. Vì nguồn vốn nhà nước chưa có ưu đãi, chỉ vay theo thể thức nông nghiệp, nông dân không đủ vốn nuôi. Mỗi vụ người nuôi chi phí khoảng 300 triệu. Vay ngân hàng khoảng 100 triệu, vốn tự có của gia đình khoảng 60 triệu, còn lại vay bên ngoài, nhưng nếu lãi bên ngoài quá cao thì người nuôi không lời.
DŨNG CÁ

Đăng bình luận