Friday, 19 Apr 2024
Tài liệu kỹ thuật

Kỹ thuật nuôi cá Nàng Hai trong Ao đất năm 2019

Cá nàng hai hay còn gọi là cá thát lát còm. Đây là loài cá nước ngọt gần giống như cá thát lát. Trước đây cá còm trong tự nhiên còn khá phong phú, nhưng do khai thác quá mức nên hiện nay rất hiếm, sản lượng khai thác tự nhiên không còn nhiều. Ngoài giá trị làm thực phẩm, cá còm được nuôi làm cảnh có giá trị, được người nuôi cá cảnh ưa thích. Do ngày càng hiếm trong tự nhiên nên việc khôi phục, phát triển loài cá này trong khu hệ Nam bộ có ý nghĩa rất quan trọng. Hiện nay sản xuất giống đại trà theo nhu cầu nghề nuôi, do đó có thể phát triển hơn nữa việc nuôi cá còm có sản lượng lớn nhằm cung cấp loại thực phẩm có giá trị cao trên thị trường. Để nuôi cá nàng hai có hiệu quả, người nuôi cần quan tâm một số khâu kỹ thuật chủ yếu:

1. Chọn vị trí và thiết kế ao nuôi 

– Nên chọn vùng đất có nhiều đất sét hoặc đất sét pha thịt để dễ xây dựng, tu sửa, cải tạo.
– Không nên xây dựng ao ở những vùng đất bị nhiễm phèn nặng. Chọn gần nguồn nước sạch, không bị ảnh hưởng ô nhiễm của nước thải sinh hoạt và công nghiệp.
– Chọ ao có dạng hình chữ nhật. Diện tích thích hợp : 500 – 5.000 m2 , đảm bảo nước trong ao nuôi ổn định: 1-1,2 m. Bờ ao cao và chắc chắn, có hệ thống cống cấp, tiêu nước. Ao nên bố trí một số giá thể như chà, lưới, dây nilon, … để làm nơi trú ẩn cho cá.
2. Xử lý và cải tạo ao

Thực hiện các bước sau:

+ Tát cạn ao, bắt hết cá tạp và cá dữ. Vét bùn đáy ao chỉ chừa lại một lớp bùn mỏng 15- 20 cm.

+ Bón vôi nung với liều lượng 7-10 kg/ 100 m2 ao nuôi.

Cải tạo ao

+ Phơi đáy ao khoảng 5 – 7 ngày. Vùng đất phèn thì không nên phơi.
+ Lọc nước vào ao bằng túi lọc để tránh cá tạp, cá dữ lọt vào.
+ Gây màu nước để tạo môi trường tốt cho cá phát triển. Có thể dùng phân hữu cơ ủ hoai kết hợp với các loại phân vô cơ như N – P – K, DAP với liều lượng: phân hữu cơ 100 – 200kg/1.000m2, phân vô cơ 2 – 3kg/1.000m2.

3. Chọn và thả cá giống
– Nên mua cá giống ở các trại sản xuất giống có uy tín.
– Chọn cá giống khỏe mạnh, có kích cỡ đồng đều, không bị xây xát, vây và đuôi đầy đủ, màu sắc tươi sáng, không dị hình, cá bơi lội nhanh nhẹn và kết thành bầy đàn, phản xạ nhanh khi có tiếng động.
– Nên chọn cá giống trên 5 cm và cá đã ăn thức ăn bổ sung là cá tạp xay hay thức ăn chế biến. Cá giống có kích cỡ lớn khi nuôi sẽ ít bị hao hụt.
– Nên thả cá lúc sáng sớm hay chiều mát. Trước khi thả, ngâm túi chứa cá trong nước ao để cân bằng nhiệt độ (khoảng 10-15 phút), sau đó mở bao cho nước từ từ vào bao chứa cá để cá tự bơi ra ngoài.
– Tắm nước muối cho cá với liều lượng 2g/lít trong 5 – 10 phút trước khi thả xuống ao.
4. Mật độ nuôi 
+ Nuôi đơn:
· Cá Nàng Hai là loài ăn động vật lại thích sống bầy đàn. Nuôi thưa cá dễ tách đàn nhanh mất tính tranh ăn nên cá lớn không đều.
· Nếu có nguồn thức ăn dồi dào có thể nuôi với mật độ dày 25-30 con/m2 . Mật độ nuôi vừa phải là từ 10-15 con/m2.
· Nên khống chế tảo phát triển quá nhiều. Thay nước định kỳ 2 lần trong tháng
· Khi cá đạt kích cỡ trên 12 cm nên cho mắt lưới ngăn cá dữ ở cống cấp nước lớn hơn để trứng và các loài cá trắng, tép tôm theo vào làm thức ăn cho cá Nàng Hai.
+ Nuôi ghép:
· Nên chọn cá nuôi ghép là các loại không cùng tính năng và không cạnh tranh thức ăn với cá Nàng hai như Cá Mè Trắng, Sặc rằn, Rô Phi, Trắm cỏ, Rô Đồng….
· Các loài như: cá Rô Phi, Sặc rằn, Mè có thể “lọc tảo” nên có thể sử dụng ghép để hạn chế tảo phát triển nhiều trong ao và có cá con bổ sung nguồn thức ăn cho cá Nàng hai.
· Tỷ lệ nuôi ghép chiếm khoảng 10%.
5. Thức ăn và cách cho ăn

Thức ăn viên và Cá tạp cắt nhỏ

– Giai đoạn cá từ 5 –10 cm: Có thể cho cá ăn trùn quế, cá tạp tươi xay nhuyễn. Sàng ăn nên đặt gần nơi ẩn nấp của đàn cá. Nên cho ăn chủ yếu vào buổi chiều mát vì thời điểm này cá ăn mạnh hơn buổi sáng, lượng ăn hàng ngày bằng 10% trọng lượng đàn cá.

– Khi cá trên 10 cm: Cho cá ăn thức ăn công nghiệp độ đạm từ 25 % –30 % kết hợp thêm các loại cá tạp tươi xay nhuyễn, tôm tép … để giảm chi phí sản xuất. Lượng thức ăn giảm từ 10% xuống còn 3% kể từ tháng thứ 4 thả nuôi. Nên quan sát theo dõi mỗi ngày để tăng giảm lượng thức ăn cho phù hợp theo sức bắt mồi của cá.

6. Chăm sóc và quản lý

Hàng ngày chú ý kiểm tra bờ ao, cống cấp, thoát nước, kịp thời phát hiện và tu sửa bờ, lưới chắn, lấp hang hốc, đề phòng nước mưa tràn bờ.

Cho cá ăn

Hàng tuần thay nước mới cho ao, mỗi đợt thay từ 20 – 30% lượng nước trong ao. Khi nước ao có màu xanh qua đậm, nâu đen hoặc có mùi hôi, phải tháo nước cũ và cấp nước mới sạch cho ao.

7. Phòng bệnh cho cá Nàng hai

Phương châm nuôi cá Nàng hai là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Giữ cá khoẻ mạnh, cho ăn đầy đủ, nguồn nước sạch đảm bảo chất lượng. Để nuôi hiệu quả tốt một số yêu cầu cần quan tâm thực hiện:
– Thực hiện đúng các khâu xử lý và cải tạo ao nuôi.
– Theo dõi tính ăn mồi của cá, tập cho cá ăn thức ăn tự chế và thức ăn công nghiệp trong ao. Nên có nguồn cá con sẳn trong ao để làm nguồn thức ăn cho cá nuôi.
– Thay nước định kỳ giải quyết tảo dư thừa tuỳ theo tình trạng nuôi đơn hay nuôi ghép, tránh tình trạng thiếu oxy.
– Theo dõi tình trạng cá để phòng trị bệnh kịp thời và đúng lúc.
– Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh.

8. Thu hoạch

Cá có tốc độ lớn khá nhanh, sau thời gian nuôi từ 10 – 12 tháng có thể đạt cỡ 700 – 800gam. Có thể thu hoạch đồng loạt khi được giá hoặc tỉa cá lớn và thả nuôi lại cá nhỏ chưa đạt kích cỡ.

Đăng bình luận