Monday, 4 Nov 2024
Tài liệu kỹ thuật Tin tức

Giải pháp tăng năng suất và giảm bệnh mô hình ương nuôi Ếch thương phẩm

Nuôi ếch trong bể xi măng là mô hình khá quen thuộc với bà con. Hình thức nuôi trồng này có lợi thế là không yêu cầu diện tích ao nuôi rộng, dễ quản lý, chăm sóc, hạn chế mầm bệnh và dễ thu hoạch do ếch không chui rúc vào bùn… Để giúp bà con ở các vùng miền nhân rộng quy mô nuôi ếch thịt này, Dũng cá cung cấp đến bà con kỹ thuật nuôi ếch trong bể xi măng đơn giản, hiệu quả cao.

1/ Xây bể xi măng nuôi ếch 

– Vị trí xây bể xi măng nuôi ếch cần thoáng mát. Tuy nhiên ếch rất nhát và sợ va chạm nên vị trí đó cần yên tĩnh, tách biệt, tránh xa tiếng ồn. Xung quanh khu vực xây bể có thể trồng một số cây xanh để che bớt ánh sáng mặt trời hoặc dùng lưới nilon phủ bên trên nhưng không phủ hết vì ếch rất cần hấp thụ ánh sáng tự nhiên từ mặt trời.

– Xây bể hình chữ nhật có diện tích từ 10 – 50m2, phần tường bao quanh cao từ 1,2 – 1,5m. Chia bể nuôi thành nhiều ô liền kề nhau, ở giữa có lối đi thuận tiện cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng.

– Phía bên ngoài khu vực nuôi có thể dùng lưới thép để quây cao lên tránh trộm cắp, rắn, chuột, chim cú gây hại.

– Đáy bể láng xi măng, xây với độ nghiêng từ 3 – 5% về phía ống thoát nước để tiện cho việc thay nước thường xuyên trong quá trình nuôi.

– Bên trong bể, chừa các bờ xung quanh hoặc có thể thiết kế thêm giá thể bằng tre, nứa, gỗ cao hơn đáy khoảng từ 15 – 20cm để ếch trú ngụ.

– Ở vị trí thoát nước, đặt một ống bằng nhựa để dẫn nước từ trong ra ngoài. Ở vị trí phía dưới ống nhựa, chọc nhiều lỗ nhỏ thoát nước. Mặt xả nước bên ngoài làm một nắp bịt, khi muốn thay nước chỉ cần mở nắp bịt ra.

– Đối với bể mới, cần chuẩn bị trước 1 tháng, ngâm nước trong bể cho bớt mùi của xi măng.

– Theo kinh nghiệm của nhiều hộ dân nuôi ếch trong bể xi măng, bà con có thể băm thân cây chuối cho vào nước ngâm trong bể hoặc dùng thuốc tím, chlorine, vôi sống. Tổng thời gian khử trùng bể nuôi kéo dài 2 – 3 tuần.

– Độ pH của nước để duy trì từ 6,5 – 7. Nhiệt độ nước: 22 – 28 độ C. Độ sâu của nước đạt khoảng 30cm

2/ Cách chọn ếch giống:  

Với mô hình nuôi ếch thịt, bà con nên chọn ếch giống Thái Lan (Rana Rugulosa) với giá dao động từ 1.000 – 1.500 đ/con. Giống ếch này có khả năng thích nghi tốt với điều kiện nuôi tập trung, cho hiệu quả kinh tế cao.

Tiêu chuẩn chọn giống:

– Màu sắc: vàng sậm, da bóng và đẹp, không bị đuối chân, không bị bệnh tật, dị dạng

– Độ tuổi: Nên chọn ếch từ 1,5 tháng tuổi trở lên, chiều dài khoảng 4 – 6cm

– Chọn ếch giống cỡ 30 – 35 ngày tuổi (khoảng 350 – 400 con/kg). Nên chọn giống ếch cùng lứa, có kích thước đồng đều tránh tình trạng con to con nhỏ cắn nhau.

Trường hợp với bà con đã nuôi tốt, có thể chọn từ trứng ếch để ương thành ếch giống. Giá trứng ếch dao động từ 150.000 – 200.000 đ/kg. 1kg trứng ếch nếu ương và nuôi đạt có thể cho ra 700 – 1.000 con ếch thương phẩm.

3/ Thời vụ và mật độ thả giống ếch

– Mùa vụ thả ếch giống kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm.

– Mật độ thả phụ thuộc vào từng thời điểm nuôi. Khi mới bắt về có thể nuôi với mật độ dày, sau một thời gian nên tách bể để chúng có điều kiện sinh trưởng tốt nhất.

+ Tháng thứ nhất: 150 – 200 con/m2

+ Tháng thứ hai: 100 – 150 con/m2 đối với ếch đạt kích cỡ 2 – 5g/con.

+ Tháng thứ ba: 80 – 100 con/m2, ếch lớn hơn chút có thể nuôi với mật độ 70 – 80 con/m2.

– Trước khi thả giống có thể đem chúng rửa qua dung dịch nước muối pha loãng 3% hoặc 20mg/ml dung dịch KMnO­­4 hòa tan. Tắm cho ếch từ 20 – 30 phút để khử trùng, bụi bẩn, mầm bệnh.

– Nên thả trứng ếch thì nên chuẩn bị nước trước 2 – 3 ngày, mực nước trong bể 30 cm. Khi đem trứng về pha loãng với nước sạch và tạt đều bể vào thời điểm mát trời, sáng sớm hoặc chiều tối để tránh tình trạng sốc môi trường. Mật độ thả là 1,25kg trứng/10m2 bể ương.

4/ Thức ăn cho ếch nuôi trong bể xi măng 

Nguồn thức ăn: Trong kỹ thuật nuôi ếch thịt, thức ăn chiếm vị trí rất quan trọng giúp chúng lớn nhanh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay, người dân chỉ sử dụng loại thức ăn viên được sản xuất sẵn dành cho ếch với độ đạm dao động từ 30 – 40%. Tùy theo giai đoạn ương và nuôi thì sử dụng kích cỡ thức ăn khác nhau từ 0.5 li – 4 li.

Khẩu phần ăn hàng ngày

Liều lượng thức ăn hàng ngày điều chỉnh theo nhu cầu hoặc theo trọng lượng phát triển của ếch như sau:

Lượng thức ăn hàng ngày   Trọng lượng bản thân   
7 – 10% Ếch từ 3 – 30g/con
5 – 7% Ếch từ 30 – 150g/con
3 – 5% Ếch trên 150g/con

Chia thức ăn hàng ngày của đàn ếch thành nhiều lần ăn khác nhau. Cụ thể:

– Khi ếch đạt trọng lượng cơ thể từ 3 – 100gram, chia làm 3 – 4 lần ăn/ngày. Chiều tối và đêm cho ăn nhiều hơn.

– Khi ếch đạt trọng lượng cơ thể trên 100gram, chia làm 2- 3 lần/ngày.

Đối với ương từ trứng ếch, sau 3 ngày thả trứng thì bắt đầu cho ăn. Sử dụng thức ăn viên nổi 0.5 li (hoặc dùng dạng mảnh). Lượng thức ăn theo nhu cầu (1/2 chén cho hồ 6 kg trứng). Ếch sau khi ương 18 ngày sẽ mọc 2 chân sau. Tiếp sau đó 7 ngày thì sẽ mọc 2 chân trước và tiêu đuôi. Sau 1 tuần, ếch đạt kích cỡ ếch giống và chúng sẽ lên bờ hoặc giá thể đã chuẩn bị trước.

Kích thước viên cám sẽ phụ thuộc vào giai đoạn nuôi:

 Hàm lượng Protein   Kích thước cám viên    Thời gian nuôi từ giai đoạn ếch con   
35% 2,2 – 2,5 mm 15 ngày đầu nuôi (3 – 30g/con)
30% 3,0 – 4,0 mm 30 ngày tiếp theo (30 – 100g/con)
25% 5,0 – 6,0 mm 30 ngày tiếp theo (100 – 150g/con)
22% 8,0 – 10 mm Sau 75 ngày nuôi (>150g/con)

Sử dụng cám viên nổi, ếch Thái Lan có thể tăng trưởng như sau:

Ngày nuôi Tăng trưởng 
30 ngày nuôi 30 – 50 gram
60 ngày nuôi 100 – 120 gram
90 ngày nuôi 150 – 180 gram
120 ngày nuôi 200 – 250 gram

5/ Cách chăm sóc ếch trong bể

Thay nước trong bể 

– Trong kỹ thuật nuôi ếch thịt ở bể xi măng, bà con cần kiểm tra và thay nước thường xuyên.

– Trong tháng đầu tiên, sau 1 tuần bắt đầu thay nước, những lần sau, thay nước từ 2-  3 ngày/lần, mực nước trong bể duy trì từ 25 – 30cm

– Từ tháng thứ hai, thay nước 1 lần/ngày, mức nước trong bể nuôi giảm xuống còn 10 – 15cm.

– Nên thay nước vào buổi sáng sớm. Nếu như thay vào chiều tối thì cần thay nước trước khi cho ăn.

– Nếu sử dụng nước giếng khoan để thay nước trong bể xi măng nuôi ếch thịt, thì nguồn nước phải được bơm lên và dự trữ trước 1 ngày để loại bỏ mùi kim loại, các thành phần hóa học trong nước.

Phân đàn ếch thịt

– Trong quá trình rút nước thay bể, bà con nên quan sát tổng thể, phân loại riêng những con bị bệnh để có phương án điều trị kịp thời, tránh lây lan sang cả đàn.

– Ngoài ra, cần giảm mật độ nuôi theo quá trình sinh trưởng của cả đàn.

– Sau 2 tháng ương, bắt đầu phân cỡ. Sau đó, cứ 3 ngày tiến hành tách đàn những con nhỏ hơn để nuôi trong bể riêng tránh tình trạng con to cắn chết hoặc tranh giành thức ăn với con nhỏ.

Chăm sóc thường xuyên

– Cứ 2 tuần tiến hành cân đàn ếch 1 lần để theo dõi sự phát triển và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp tránh để thức ăn dư thừa ôi thiu, mầm bệnh phát triển.

– Nuôi ếch thịt nên tạo thói quen cho chúng ăn đúng giờ, tạo phản xạ để chúng xác định được giờ ăn.

– Người nuôi phải có cảm giác thân quen, tránh làm cho chúng sợ (vì ếch rất nhát). – Không nên la hét, đập, gõ sẽ khiến chúng giật mình, nhảy loạn khu vực bể nuôi.

– Thường xuyên dọn dẹp vệ sinh khu vực xung quanh bể nuôi. Theo kinh nghiệm chia sẻ từ các chuyên gia, bà con có thể trồng các bụi sả xung quanh, vì rắn sợ mùi sả.

– Ếch rất thích sưởi nắng, nếu được tắm nắng thường xuyên thì chúng sẽ nhanh lớn.

– Tuy nhiên, vào ngày nắng nóng gay gắt thì phải có biện pháp che bớt để giảm nhiệt độ nước trong bể nuôi.

– Sau khi nuôi khoảng 3 tháng, ếch sẽ ăn ít lại, đây là thời gian để chúng phát triển thịt, đùi nên bà con đừng quá lo lắng.

Sử dụng thuốc, hóa chất phòng bệnh

– Dùng muối hột sát trùng sau 2 lần thay nước. Liều lượng: 0.5kg/bể. Hoặc có thể dùng các hóa chất khác như Iodin, thuốc tím để tạt định kỳ từ 7 – 10 ngày với liều lượng theo hướng dẫn nhà sản xuất.

– Trong quá trình nuôi, trộn vào thức ăn các Premix vitamin, khoáng nano canxi, men tiêu hóa, để hỗ trợ tăng sức đề kháng cho đàn ếch

– Định kỳ 4 – 5 ngày tạt Canxi Max để phòng bệnh về xương sống cho ếch với liều lượng theo nhà sản xuất.

– Sau khi thay nước nên dùng Men vi sinh hoặc chế phẩm EM tạt trực tiếp và bể nuôi để hạn chế mầm bệnh và giảm mùi hôi.

– Khi nuôi giai đoạn cuối, có thể thúc ếch nhanh bán khi có giá bằng sản phẩm tăng trọng như VS3868, Aquazyme, …với liều 2 – 3 gr/kg thức ăn cho đến xuất bán.

EM đậm đặc

6/ Thu hoạch và vận chuyển:

– Sau khi thả ương và nuôi được 3,5 – 4 tháng, ếch có thể đạt từ 3 – 6 con/kg hoặc 150 – 300 gram/con.

– Cho ếch ngừng ăn trước khi thu hoạch 10 – 12 giờ.

– Tháo cạn nước trong bể nuôi rồi dùng vợt xúc hoặc thu bằng tay.

– Dùng hộp xốp có lỗ thông hơi có chứa bèo tây hoặc dùng túi nilông có nước để vận chuyển ếch.

– Vợt xúc và dụng cụ chứa ếch phải nhẵn để tránh gây xây xát thân ếch.

7/ Hạch toán hiệu quả kinh tế Mô hình

Tổng chi:                                                                                76.500.000 đồng

+ Trứng ếch: 18 kg x 200.000 đ/kg =    3.600.000 đồng

+ Thức ăn: 4 tấn x 16.600 đ/kg =         66.400.000 đồng

+ Thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học:  2.500.000 đồng

+ Nhiên liệu, công, khấu hao               4.000.000 đồng

Tổng thu: 2.800kg x 36.000 đ/kg         =                                  100.800.000 đồng

Lãi:                                                   =                                      24.000.000 đồng

Các chỉ tiêu kỹ thuật:

+ Thời gian ương và nuôi: 4 tháng

+ Kích cỡ thu hoạch: 3 – 4 – 5 con/kg

+ FCR: 1.428

+ Giá thành: 27.300 đồng/kg

+ Diện tích bể: 48 m2/bể (4 bể 4x12m)

+ Sản lượng: 2.800 kg

+ Năng suất: 14 kg/m2/vụ.

+ Tỷ lệ sống: 60%

8/ Một số bệnh trên ếch và cách phòng trị hiệu quả:

Bệnh đường ruột

Bụng ếch bị trương phình, ếch nằm yên một chỗ. Mổ khám thấy thành ruột sưng và mỏng, bên trong có dịch lỏng lẫn với cặn thức ăn không tiêu và có mùi thối.

Nguyên nhân do ăn phải thức ăn ôi thiu, mốc khiến bụng ếch bị phồng lên bất thường, bơi khó khăn, không thể nằm ngang mà thường nằm thẳng.

Điều trị: Khi ếch có dấu hiệu trướng bụng cần giảm thức ăn, nếu nặng cần ngưng không cho ăn một hoặc hai ngày. Trong thời gian này, làm vệ sinh bể nuôi và trộn kháng sinh Enrofloxacin 3 gram/kg thức ăn trong 7 ngày liên tục.

Bệnh giun sán:

Nguyên nhân có thể do nguồn thức ăn hoặc nước bể. Ếch thường mắc bệnh sán lá, sán xơ mít, giun ký sinh. Nên định kỳ tẩy giun sán cho ếch 15-20 ngày/lần.

Điều trị: Dùng Albendazole hoặc Praziquantel để tẩy giun cho ếch với liều lượng theo hướng dẫn của nơi sản xuất.

Bệnh vẹo cổ, phù mắt:

Bệnh của ếch được gây ra bởi vi khuẩn Pseudomonas sp. Khi ếch bị bệnh mắt có mủ ở mí mắt, mắt bị viêm sưng, trắng đục. Thông thường xảy ra trên một mắt trước rồi sau đó lây qua mắt còn lại làm mù cả hai mắt. Cột sống bị biến dạng làm cho cổ quẹo, thân hơi cong nghiêng, ếch không bơi lội được bình thường mà chỉ xoay tròn hoặc nằm ngửa bụng, không ăn và chết sau vài hôm.

Phòng bệnh của ếch bằng cách trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn để phòng vi khuẩn xâm nhập. Cô lập ao nuôi bị bệnh, nếu bị nặng thì bỏ để khỏi lây lan sang ao nuôi khác. Điều trị cho ếch bị bệnh vẹo cổ bằng cách loại bỏ những con đã mắc bệnh.

Sau đó khử trùng ao nuôi bằng Iodine (PVP Iodine) liều lượng 5 – 10ml/mét khối nước và bón vôi bột (10g/mét khối) xử lý liên tục 3 – 4 ngày. Nếu bệnh của ếch bị nhẹ có thể tắm bằng nước muối 2% trong vòng 10 phút. Trộn thuốc kháng sinh với thức ăn để đề phòng vi khuẩn xâm nhập những con còn lại hoặc hủy hết ếch đang nuôi trong hồ bị bệnh.

Bệnh lở loét (đỏ chân, ghẻ, …)

Xuất hiện những nốt chấm đỏ trên thân, tụ huyết ở góc đùi, chân sưng, ếch di chuyển khó khăn, bỏ ăn, lờ đờ. Khi giải phẫu thấy xoang bụng có hiện tượng xuất huyết và chứa nhiều dịch lỏng màu vàng.

* Phòng, trị bệnh:

– Giữ nguồn nước luôn sạch, thay nước thường xuyên và không nuôi với mật độ quá dầy.

– Sát khuẩn môi trường nước bằng iodine với liều lượng 1-5 gram/m3.

– Ngâm ếch trong dung dịch thuốc tím nồng độ 5-8 gram/m3 nước từ 10-15 phút để diệt mầm bệnh.

– Sử dụng kháng sinh Enrofloxacin 2 -3 gram/kg thức ăn cho ăn liên tục 5-7 ngày hoặc Oxytetracyclin 3-5 gram/kg thức ăn cho ăn liên tục 7-10 ngày. Giảm lượng ăn xuống 50% khi trộn với kháng sinh.

Đăng bình luận