Saturday, 27 Apr 2024
Tài liệu kỹ thuật Tin tức

Một số lưu ý kỹ thuật nuôi cá rô đồng

Chuyên mục Phát thanh chuyên đề “Kiến thức Thủy sản” xin trân trọng kính chào bà con nông ngư dân và các bạn nghe Đài

Trong chuyên mục phát sóng hôm nay, chúng tôi sẽ cung cấp đến bà con nông ngư dân một số thông tin về chủ đề “ Một số lưu ý kỹ thuật nuôi Cá rô đồng”, đây là loài cá được bà con nông dân nuôi nhiều, ở một số khu vực trong tỉnh nhất là khu vực vùng Đồng Tháp Mười như ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và Thạnh Hóa. Qua thực tiễn sản xuất cho thấy, đã có những mô hình đạt năng suất và hiệu quả rất cao nhưng bên cạnh đó cũng đã có những hộ hiệu quả đạt không cao, thậm chí là lỗ. Nguyên nhân là do cá chậm lớn và mang trứng sớm, năng suất nuôi đạt thấp trong khi chi phí đầu tư nuôi cá rất lớn

Để có những thông tin cần thiết để chuyển tải đến bà con nông dân về đối tượng này, hôm nay chúng tôi có cuộc trao đổi với Kỹ sư Nuôi trồng thủy sản:

          Xin anh cho biết tại sao Cá Rô Đồng hiện nay đang được người dân quan tâm nuôi nhiều hơn so với các loại cá khác?

Cá Rô Đồng được nhiều người dân quan tâm nuôi vì những lý do sau:

Đây là loài cá bản địa, thịt thơm ngon, được rất nhiều người ưa chuộng từ thành thị đến nông thôn,  nhất là thị trường tp HCM là thị trường tiêu thụ rất lớn

Cá Rô Đồng tương đối dễ nuôi, dễ sinh sản nhất là sinh sản nhân tạo, vì vậy muốn tạo ra nguồn cá giống để nuôi không khó.

Cá rô đồng rất dễ dàng vận chuyển cả cá giống lẫn cá thịt bởi vì cá rô đồng chịu đựng tốt với các điều kiện chật chội, hàm lượng Oxy thấp bởi vì đặc điểm là cá Rô đồng có cơ quan hô hấp phụ. Điều thu hút của cá rô đồng đối với người nuôi là giá cá thương phẩm khá cao so với các loài cá khác, nếu cá nuôi đạt kích cỡ 10 con/kg giá có thể đạt 25 – 30.000 đồng/kg.

Đã có những mô hình nuôi cá Rô đồng đạt hiệu quả rất cao trong tỉnh như hộ ông:

– Nguyễn Thanh  Nhanh – Xã Bình Hòa Trung,  huyện Mộc Hóa. Với diện tích nuôi 4.000m2. Sau 5 tháng nuôi lãi hơn 200 triệu đồng

– Ông Trần Văn Đắc – Xã Thạnh Hưng, huyện Mộc Hóa. Với diện tích nuôi 6.000 m2. Sau 6 tháng nuôi lãi hơn 150 triệu đồng

Và một số hộ khác ở huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng cũng đã đạt hiệu quả rất cao khi nuôi cá Rô đồng.

Còn về thời vụ thả nuôi, xin anh cho biết thời vụ thả nuôi nuôi như thế nào là phù hợp đối với các khu vực trong tỉnh?

Cá rô đồng có thể nuôi quanh năm nếu vùng nuôi đó có thể chủ động được nguồn nước. Tuy nhiên, thời vụ thả giống phù hợp là khoảng từ tháng 4 – 7 dương lịch (Đây là vụ nuôi chính). Thực tế cho thấy cá giống thả vào mùa nghịch (khoảng tháng 9 – 10dl) cá rô đồng thường dễ mang trứng sớm, chậm lớn. Để lý giải tại sao nên thả cá nuôi vào chính vụ bởi vì thả vào mùa nầy có những lợi điểm sau đây :

  • Thứ nhất: Thời gian nuôi có thể kéo dài
  • Thứ hai là: thời tiết nắng ấm phù hợp cho quá trình phát triển của cá
  • Thứ ba là: Đối với khu vực vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, nếu nuôi cá vào mùa nầy Có thể tận dụng được các nguồn thức ăn tự nhiên tại chổ như cá tạp vào mùa lũ có thể sử dụng dùng làm thức ăn cho Cá Rô Đồng để giảm chi phí thức ăn. Đây là nguồn thức ăn giàu đạm nhưng lại có thời điểm rất rẻ.

Trong việc sản xuất giống Cá Rô Đồng, xin anh cho biết các vấn đề cần lưu ý trong việc chọn cá bố mẹ và cá giống ra sao ạ?

Cá Rô Đồng có thể đẻ tự nhiên, nhưng để chủ động tạo ra nguồn giống có thể kích thích cho cá sinh sản nhân tạo.

– Đối với việc tự làm giống tại gia đình thì để có một đàn cá giống nuôi sau nầy phát triển tốt, lớn con nên chọn cá bố mẹ có kích cỡ lớn bởi vì thường cá bố mẹ có kích cỡ lớn sẽ có sức sinh sản rất cao (trung bình 1 kg cá cái có thể đẻ khoảng 1 triệu trứng) và  cá giống sau khi ương sẽ có chất lượng tốt, đều cỡ, nuôi mau lớn

Tiêu chuẩn chọn cá bố mẹ cho cá sinh sản tốt nhất là:

– Cá cái phải đạt trọng lượng từ 100 – 120 gam/ con. Bụng to, mềm, buồng trứng nổi rõ, lỗ sinh dục màu hồng

– Cá đực: 70 – 80 gam/ con. Vuốt nhẹ bụng cá, chúng ta sẽ thấy tinh dịch màu trắng sữa chảy ra.

– Đối với việc chọn mua cá giống từ các cơ sở sản xuất giống nên chọn ở những nơi có uy tín, cá đều cỡ, khỏe mạnh, đã được lọc lồng để loại ra các con cá đực hoặc những con cá bị suy dinh dưỡng. Tránh mua những loại cá giống bị chay tức là những đàn cá giống trãi qua thời gian ương lâu nhưng không lớn, bị suy dinh dưỡng. Nếu chọn những đàn cá nầy sẽ dễ dẫn đến trường hợp cá mang trứng sớm.

Như vậy thì cái khó khăn lớn nhất thường hay gặp phải trong nuôi cá là cá bị chậm lớn và mang trứng sớm. Vậy theo anh trong quá trình nuôi nên chú ý những khâu nào để tránh cá chậm lớn và mang trứng sớm.

Đây là một hiện tượng thường hay dễ xãy ra trong nuôi Cá Rô Đồng thương phẩm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trường hợp nầy trong đó đáng chú ý là:

– Thứ  nhất: Về khâu con giống: Trong khâu sản xuất giống, việc ương từ cá bột lên cá giống rất quan trọng, thường thì cho thấy cá giống có kích cở lớn (trọng lượng đạt khoảng 100 – 150 con/kg) sẽ rút ngắn được thời gian nuôi thịt (tức là đối với cá giống đạt trọng lượng như trên thì thời gian nuôi thịt khoảng từ 4 – 5 tháng). Do đó sau quá trình ương cá từ cá bột lên cá giống chúng ta nên có thao tác lọc lồng để loại ra những con cá Rô đực và những con bị suy dinh dưỡng. Thường những con này rất chậm lớn khi đó những đàn cá đã được lọc lồng sẽ đồng cỡ, có tốc độ tốc độ phát triển tốt khi nuôi sau nầy.

– Thứ 2: Về thời vụ: Nên thả giống vào chính vụ để có thời gian nuôi kéo dài hơn.

– Thứ 3: Về thức ăn:

Giai đọan cá nhỏ: Nên cho cá ăn thức ăn công nghiệp dạng viên nổi cho Cá Rô. Nên chọn những loại thức ăn có hàm lượng đạm từ 25 – 30 %.  Thực tế cho thấy các loại thức ăn của các công ty có uy tín ngư Cargill, Grobest, Con cò… Trong thời gian qua các hộ sử dụng  nuôi cá rô đồng đã đạt hiệu quả. Nên cho cá ăn 2 lần/ ngày vào lúc sáng sớm và chiều mát. Liều lượng cho ăn khoảng 5 –7 % trong lượng thân. Chú ý nên cho ăn tích cực vào những lúc cá ăn mạnh để cá đạt độ béo, phát triển nhanh sẽ hạn chế cá mang trứng sớm.

Giai đọan cá lớn: Ở khu vực vùng chịu ảnh hưởng lủ hằng năm ĐTM, Điều thuận lợi trong nuôi cá Rô đồng là có thể tận dụng được các nguồn thức ăn tại chổ nhất là nguồn cá tạp như cá linh, cá chốt, cá sặc, cá mè đất…vào mùa lũ chúng rất nhiều, giá rẻ. Chúng ta có thể chế biến thành thức ăn cho cá rô để tiết giảm chi phí đầu tư thức ăn. Bà con có thể tham khảo công thức thức ăn tự chế như sau mà thời gian qua một số hộ nuôi cá rô đã đạt hiệu quả cao: Các lọai cá tạp xay nhuyễn 50%, thức ăn công nghiệp 20%, cám 30%

– Thứ tư: Về khâu quản lý chăm sóc: Nên giữ môi trường nuôi tốt. Khi thấy cá có hiện tượng giảm ăn có thể thay nước để có thể kích thích cá ăn trở lại. Và mực nước ao nuôi nên giữ ở mức từ 1,2 – 1,5 m trở lên để giữ nhiệt dộ nước ổn định, tránh nhiệt độ nước tăng cao sẽ làm cho cá dễ mang trứng sớm, chậm lớn.

Còn về hình thức nuôi , Xin cho biết các hình thức nuôi Cá Rô Đồng phổ biến hiện nay:

Cá Rô Đồng có thể nuôi dưới 2 hình thức nuôi đơn và nuôi ghép.

Đối với hình thức nuôi đơn: Có thể nuôi trong ao dưới dạng thâm canh. Mật độ: 25 –30 con/ m2 (cở 100 – 150 con/ kg). Đối với nuôi trong ruộng lúa có thể thả thưa hơn với mật độ 7 –10 con/ m2.

Đối với hình thức nuôi ghép: Có thể thả ghép các loại cá như Sặc Rằn, Trê Vàng, Cá Chép…. Tỷ lệ ghép chiếm khoảng 10 % để chúng tận dụng thức ăn trong quá trình nuôi. Ngòai ra, mô hình nuôi cá rô đồng trên ruộng vào mùa lũ vùng ĐTM trong thời gian qua cũng đã đạt hiệu quả rất cao

Xin cám ơn những thông tin vừa rồi của anh về chủ đề trên

Đăng bình luận