Thursday, 12 Sep 2024
Tài liệu kỹ thuật Tin tức

Vi khuẩn Vibrio trong ao nuôi tôm và giải pháp kiểm soát

Vibrio là vi khuẩn gây bệnh phổ biến trên tôm nuôi. Các bệnh thường xảy ra như bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (do vibrio parahaemolyticus), phân trắng (do V.vulnificus, V.cholerae, và V.alginolyticus). Chúng có khả năng ký sinh trong gan tụy, đường ruột của tôm và tiết ra độc tố làm gan tụy sưng hoặc teo lại, mềm nhũng, … dẫn đến tôm chết hàng loạt thậm chí 100% ao nuôi.

1/ Đặc tính của vi khuẩn Vibrio

–  Nước ao nuôi tôm là môi trường thích hợp của Vibrio: chúng thích nghi với môi trường này hơn những loài vi khuẩn khác khi độ mặn cao, nhiệt độ ấm, và đầy đủ thức ăn.

Vibrio có thể lan truyền trong không khí thông qua các hạt sương nhỏ đến một khoảng cách rất xa.

– Phần lớn mang độc tố, chúng có thể truyền khả năng sinh độc tố cho nhau. Chúng có thể giết chết tôm khi tiếp xúc với sự hiện diện rất ít của mầm bệnh hoặc khi tôm ăn phải một lượng nhỏ vi khuẩn

– Khả năng thích nghi và kháng thuốc kháng sinh, kháng chất diệt khuẩn.

Vibrio có thể tự tổng hợp màng bảo vệ chống lại các yếu tố vật lý và hóa học khắc nghiệt của ao nuôi. Với cơ chế này thì rất khó tiêu diệt được hết Vibrio cho dù có dùng loại kháng sinh hoặc hóa chất mạnh.

– Tăng sinh nhanh trong môi trường ao nuôi, trung bình cứ 20 phút số lượng Vibrio lại được nhân lên gấp đôi. Thậm chí là khi 99,99% Vibrio đã bị tiêu diệt thì phần còn lại vẫn tiếp tục phát triển và khôi phục số lượng ban đầu trong vòng 5 – 6 giờ.

– Diệt khuẩn bằng kháng sinh hoặc hoá chất không mang lại hiệu quả lâu dài cho ao nuôi mà còn làm tăng khả năng kháng thuốc của Vibrio và làm giảm số lượng vi sinh vật có lợi, và sau khi sử dụng thì loài khôi phục lại số lượng đầu tiên sẽ là Vibrio, kết quả Vibrio sẽ trở thành loài ưu thế trong ao nuôi.

Vì vậy, việc loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn Vibrio ra khỏi ao nuôi là vô cùng khó khăn.

2/ Cách phát hiện vi khuẩn vibrio

Việc kiểm tra, đánh giá vi khuẩn trong ao tôm là rất cần thiết để người nuôi đưa ra phương pháp điều chỉnh phù hợp nhất. Để kiểm tra vi khuẩn, thông thường người nuôi có thể mang mẫu nước ao, mẫu tôm đến các cơ sở/ đại lý có thực hiện test khuẩn.

Hoặc bà con có thể mua đĩa thạch sẵn có trên thị thường về để tự test khuẩn. Các sản phẩm đĩa thạch có giá dao động từ 20 – 50 ngàn đồng/đĩa. Khi đó bà con sẽ chủ động để kiểm soát vi khuẩn Vibrio trong ao tôm.

3/ Giải pháp kiểm soát vi khuẩn Vibrio trong ao nuôi tôm

a. Diệt khuẩn

Khi mật độ vi khuẩn trong ao hoặc trong ruột tôm ở mức cao, vượt ngưỡng thì cần có biện pháp xử lý. Cụ thể:

– Tổng vi khuẩn Vibrio trong nước > 102 CFU/ml có thể gây hại đến tôm.

– Tổng vi khuẩn Vibrio trong gan/ruột > 103 CFU/ml có thể gây hại đến tôm.

Với ao nuôi dùng sản phẩm TRIZIN với liều 200gr/1000m3. Đối với tôm dùng CiproGAN 20 gr/kg thức ăn trong 3 – 5 ngày.

b. Ép khuẩn:

Kiểm soát môi trường ao nuôi

Sử dụng định kỳ chế phẩm EM Probio (hoặc EM gốc) với thành phần lợi khuẩn: Bacillus subtilis, Bacillus amyloliquefaciens, Saccharomyces cerevisiae,… khi bổ sung vi sinh vào trong nước giúp tăng cường mật độ vi sinh có lợi trong ao lấn át, ức chế các vi khuẩn Vibrio gây hại. Đồng thời giúp phân cắt đạm thừa từ thức ăn, phân tôm, mùn bã hữu cơ, xác tảo,… làm môi trường nước ao được trong sạch, hạn chế sự phát sinh các khí độc  H2S, NH3, NO2,…tạo điều kiện thuận lợi cho vibrio phát triển gây hại cho tôm.

Để bổ sung vi sinh có lợi, xử lý môi trường nước ao bà con có thể sử dụng trực tiếp 1 lít chế phẩm EM gốc/1000mhoặc ủ tăng sinh để tiết kiệm chi phí:

EM đậm đặc

1 lít EM gốc + 1 lít mật rỉ đường + 18 lit nước sạch ra 20 lít EM thứ cấp (EM2) (ủ kín 5-7 ngày hoặc sục khí liên tục 24 tiếng) có thể sử dụng được.

Liều lượng: 5-10 lít EM2/1000m3, định kỳ 5-7 ngày/lần (liều lượng và thời gian bổ sung vi sinh có thể điều chỉnh tăng giảm phù hợp với điều kiện ao nuôi). Tạt vào buổi sáng 9-10 giờ.

Bổ sung hệ vi khuẩn có lợi trong ruột tôm

Vi khuẩn vibrio bám trên thành ruột của tôm và lấy đi chất dinh dưỡng, việc bổ sung men tiêu hóa PRO-ONE vào thức ăn nhằm tăng cường lợi khuẩn trong đường tiêu hoá, cạnh tranh vị trí bám, không gian sống và thức ăn với Vibrio.

Ngoài việc bổ sung men tiêu hóa, cần kết hợp trộn EM chuối/ EM tỏi vào trong thức ăn tôm để hỗ trợ cung cấp lợi khuẩn vào trong đường ruột của tôm, cung cấp một số vitamin cần thiết cho quá trình tiêu hóa, sinh trưởng phát triển của tôm.

Cách ủ EM chuối

Cho lần lượt 8 lít nước, 1 kg chuối lột vỏ xay nhuyễn, 1 lít EM2 bình có nắp đậy, sạch khuẩn, khuấy đều, đậy kín ủ yếm khí trong 24h là dùng được.

Cách ủ EM tỏi

+ Đầu tiên Ủ EM5 từ chế phẩm EM gốc

Lấy 1 lít EM gốc + 1 lít rỉ đường + 1 lít dấm + 1 lít  Rượu (Rượu gạo,…) + 6 lít nước sạch, ủ kín (không mở nắp) trong vòng 3 ngày thì dùng được.

+ Sản xuất EM tỏi từ EM5

Cho lần lượt 8 lít nước, 1 kg tỏi xay nhuyễn, 1 lít EM5 vào bình có nắp đậy, sạch khuẩn, khuấy đều, đậy kín rồi ủ yếm khí trong 24h là dùng được

Hy vọng những chia sẻ trên đây đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người nuôi ứng dụng vào mùa vụ một cách tốt nhất. Hẹn gặp lại quý bà con ở những bài chia sẻ tiếp theo!

Đăng bình luận