Với lợi thế ở ven đầm Thị Nại, xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) có nhiều yếu tố thuận lợi nuôi trồng thủy sản nước lợ, chủ yếu nuôi bán thâm canh tôm thẻ chân trắng. Do nuôi bán thâm canh nên chi phí lớn, nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao. Để hỗ trợ người dân có hướng phát triển tốt, đầu năm 2020 Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP Quy Nhơn xây dựng mô hình Nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Floc có sử dụng máy cho ăn tự động tại thôn Hội Tân, xã Nhơn Hội TP Quy Nhơn.
Mô hình được thực hiện với diện tích ao nuôi 1.500 m2 của hộ ông Nguyễn Văn Phát, thời gian nuôi 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 7.2020); hộ tham gia thực hiện mô hình được hỗ trợ 50% chi phí mua con giống, vật tư và thức ăn. Kết quả hộ triển khai mô hình đã lãi 550 triệu đồng. Tại Hội thảo tổng kết mô hình vừa được tổ chức gần đây, các đại biểu đã khẳng định mô hình thành công, các hộ theo nghề nuôi tôm cũng phấn khởi và đề nghị được chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ để áp dụng công nghệ Semi-Floc vào các vụ tôm tới đây.
Theo ông Nguyễn Văn Phát, tôm giống đưa về được nuôi trong bể ương nhà kính, sau 20 ngày thì đưa ra ao nuôi có hệ thống cánh quạt, hệ thống oxy đáy, hệ thống cho ăn tự động và hệ thống tuần hoàn nước. Nhờ sự vận hành của các hệ thống hỗ trợ, gần như người nuôi đã loại bỏ được những tác nhân gây ra dịch bệnh đối với tôm. Tại thời điểm thu hoạch tôm thì cứ 35 con đạt khoảng 1 cân. Nhờ tham gia mô hình ông được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí, nhưng với ông thu hoạch lớn nhất là các kỹ thuật, kỹ năng mà các cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP Quy Nhơn đã hỗ trợ, chuyển giao. Với kinh nghiệm nuôi tôm đã nhiều năm của mình, ông khẳng định mô hình ứng dụng công nghệ Semi-Floc rất có lợi cho người nuôi tôm, nên được nhân rộng.
Bà Nguyễn Thị Ngân Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP Quy Nhơn, cho biết: Nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi-Floc đảm bảo được nhiều yếu tố mà người nuôi tôm quan tâm: Hệ số lãi cao, giữ được môi trường nuôi an toàn bền vững, có thể tiếp nhận công nghệ dễ dàng. Thế nhưng nó cũng đòi hỏi nhiều yếu tố, trước tiên là phải có con giống sạch, trong quá trình nuôi phải nghiêm túc tuân thủ các quy định về xử lý nước, sử dụng thức ăn sạch, thường xuyên kiểm tra tôm… Tán đồng quan điểm với bà Ngân Hà, ông Huỳnh Văn Máy Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Hội, nêu ý kiến: Để phát triển và nhân rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Floc, chính quyền nên tạo hành lang phù hợp để người nuôi tôm dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi vì để thực hiện mô hình cần có vốn đầu tư lớn. Hội Nông dân sẽ nỗ lực động viên bà con áp dụng công nghệ này vì hiệu quả như đã thấy rõ là rất cao và bền vững.
Được biết để phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Floc, TP Quy Nhơn đã lên kế hoạch hỗ trợ DN và người nuôi tôm tiếp cận các tổ chức tài chính để vay vốn đầu tư cho sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh việc định hướng để người nuôi tôm liên kết trong sản xuất, kết nối để người nuôi tôm mua được con giống tốt, quảng bá để DN giàu uy tín, tiềm lực hỗ trợ đầu tư sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi.
MINH TIẾN – Nguồn tin: Báo Bình Định, 25/07/2020