Tuesday, 23 Apr 2024
Tin tức

Long An: Tiếp tục tăng cường quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt

Từ năm 2018, tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, người dân đã đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi trong vùng nước ngọt, từ đó kéo theo các vấn đề có liên quan mà không đúng chủ trương, quy định pháp luật như: phát triển nuôi thủy sản không theo quy hoạch, chuyển đổi đất trồng lúa sang đào ao nuôi tôm không đúng quy định, khai thác nước ngầm mặn không xin phép, ô nhiễm môi trường. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh chưa mang lại hiệu quả cao và xử lý thiếu kiên quyết, diện tích đào ao mới liên tục tăng thêm, đến nay là 92,74 ha, số giếng khoan là 93 giếng.

Để có sự đánh giá toàn diện, khách quan, khoa học về tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, từ đó đề xuất định hướng phát triển, giải pháp quản lý cho tỉnh, đồng thời khuyến cáo cho người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan để báo cáo, phân tích, đánh giá tình hình. Qua hội thảo, tất cả các báo cáo tham luận, phân tích, đánh giá của các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia cho thấy có thể nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước lợ nhân tạo, một số hộ có lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì việc đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi ở vùng nước ngọt hoàn toàn không phù hợp về đặc điểm sinh học, sự phát triển tự nhiên hài hòa của vùng; có những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài; tác động tiêu cực đến mạch nước ngầm do khai thác quá mức, gây sụt lún đất đai; việc xả thải nước nhiễm mặn từ các ao nuôi ra môi trường bên ngoài sẽ làm thẩm thấu nước mặn vào đất sẽ gây ra nguy cơ nhiễm mặn cho vùng nước ngọt; giảm năng suất lúa và các cây trồng khác.

Từ thực tiễn hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng và những phân tích, đánh giá qua hội thảo, UBND tỉnh thống nhất chỉ đạo không cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt có sử dụng muối, khoan giếng lấy nước mặn để tạo môi trường nước lợ nuôi tôm. Trong thời gian tới, đề nghị các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười tiếp tục tăng cường công tác quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh đã ban hành và thực hiện tốt các nội dung sau:

  1. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

– Phối hợp với các ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, khuyến cáo để người dân nắm được những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt; thông tin tuyên truyền đến người dân những quy định của pháp luật về thủy sản có liên quan để người dân được biết và thực hiện đúng.

– Phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những vi phạm về chất lượng con giống, kinh doanh, sử dụng thức ăn thủy sản, thuốc thú y thủy sản, điều kiện nuôi, quản lý dịch bệnh theo quy định.

– Nghiên cứu xây dựng các mô hình nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế, phù hợp trong vùng nước ngọt, để người dân học tập và ứng dụng vào sản xuất.

– Nghiên cứu, thử nghiệm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường thuần nước ngọt để có báo cáo đánh giá về khả năng thích ứng của loài, hiệu quả, đồng thời so sánh với các loại hình nuôi tôm, thủy sản khác.

  1. Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường

– Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức kiểm tra và xử lý việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng lúa sang đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng, việc khoan giếng lấy nước mặn trong vùng nước ngọt không theo quy định để nuôi tôm thẻ chân trắng; việc bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi tôm.

– Chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cho Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười tham mưu cho UBND huyện, thị xã tổ chức thực hiện xử lý các hộ dân vi phạm trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng lúa sang đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng, việc khoan giếng lấy nước mặn trong vùng nước ngọt không theo quy định để nuôi tôm thẻ chân trắng và bảo vệ môi trường.

  1. Đối với UBND các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười

– Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân không đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn; những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, việc sử dụng nước mặn từ giếng khoan và bổ sung thêm muối để nuôi tôm làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất nông nghiệp vùng nước ngọt.

– Tăng cường kiểm tra, quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng tại địa phương; tiếp tục có giải pháp xử lý từng trường hợp vi phạm về nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt, nhất là các vi phạm về thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng, khoan giếng lấy nước mặn, bảo vệ môi trường. Kiên quyết xử lý và lấp ao trả lại hiện trạng đất trồng lúa đối với các trường hợp đào ao mới, đào ao sau khi đã bị xử lý, cam kết không nuôi tôm thẻ chân trắng.

– Rà soát lại hồ sơ cấp điện đã cấp cho các hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện, thị xã khu vực Đồng Tháp Mười, tuyệt đối không cấp điện cho các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng; kiểm tra, xử lý hộ dân sử dụng điện không đúng mục đích xin phép ban đầu.

– Đối với những địa phương đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, yêu cầu người nuôi thực hiện nghiêm các quy định về quản lý dịch bệnh, cam kết bảo vệ môi trường, vận động không thả nuôi trở lại, không để phát sinh thêm diện tích nuôi mới. Theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại địa phương, báo cáo định kỳ hàng tháng về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Đăng bình luận