Thursday, 28 Mar 2024
Tài liệu kỹ thuật Tin tức

Những biện pháp tăng năng suất cá nuôi


Nuôi cá ao là một hình thức sản xuất phổ biến và có hiệu quả ở tỉnh Long An mà đặc biệt là khu vực Đồng Tháp Mười từ nhiều năm nay. Tùy quy mô từng hộ gia đình, với diện tích từ vài chục đến vài ngàn mét vuông thì người dân đã có thể thiết kế được một ao nuôi cá. Đối tượng nuôi trong ao rất phong phú và đa dạng. Ngoài các loài nuôi truyền thống như cá tra, mè vinh, rô phi, chép, trê lai, điêu hồng, … còn có một số đối tượng nuôi mới đang được người dân quan tâm đầu tư có hiệu quả như cá rô đồng, cá lóc, sặc rằn, cá chình, cá nàng hai,…
Hiện nay mối quan tâm hàng đầu của người nuôi cá không chỉ đơn thuần là kỹ thuật nuôi mà quan trọng nhất là biện pháp nào để tăng năng suất cá nuôi nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Hiểu được nhu cầu đó, chúng tôi có trao đổi với Kỹ sư Trương Thị Lệ Thủy, Trung tâm Thủy sản Long An về vấn đề này.
PV: Thưa kỹ sư, hiện nay tình hình chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản đến với người dân địa phương khá phổ biến thông qua các buổi tọa đàm, tập huấn, dạy nghề, hội thảo, … Do đó mà hầu như vấn đề kỹ thuật nuôi đã không còn mới mẻ với người dân đặc biệt trên các đối tượng nuôi truyền thống. Tuy nhiên theo khảo sát gần đây, nhiều người nuôi cá ở khu vực vùng Đồng Tháp Mười cho rằng hiệu quả từ nghề nuôi cá chưa cao. Vậy những tồn tại ở đây là gì, kỹ sư có thể cho biết?.
KS.Thủy: Theo tôi vấn đề ở đây có liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau. Thứ nhất, mức độ chênh lệch giữa giá thành và giá bán chưa cao. Nguyên nhân là người nuôi chọn thời điểm nuôi chưa thích hợp, chưa dự đoán được sự biến động giá cá trên thị trường. Ví dụ khi nuôi cá rô đồng, sặc rằn mà thu hoạch vào thời điểm lũ về thì giá cá sẽ thấp do lượng cá đồng nhiều. Thứ hai, là người nuôi chưa tận dụng tốt nguồn thức ăn để tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất. Tùy từng đối tượng nuôi mà cách sử dụng thức ăn cũng khác nhau. Một số loài cá nên bổ sung phân chuồng như cá mùi, cá mè, … để tăng hiệu quả kinh tế. Một số loài cá ăn tạp thiên về động vật như cá lóc, cá nàng hai thì nên bổ sung cám gạo hay bột đậu nành trong thức ăn, vừa đảm bảo dinh dưỡng mà giảm giá thành thức ăn. Những đối tượng khác như cá trê lai thì phải có nguồn phụ phế phẩm bổ sung để giảm chi phí thức ăn. Thứ ba, việc chọn con giống chưa tốt sẽ dẫn đến năng suất cá nuôi thấp. Thường những nhà cung cấp giống thiếu uy tín sẽ bán giống cá sì di, giống loại thải, cá không đạt chất lượng cho người dân nên tỉ lệ sống cá thấp và giảm năng suất cá nuôi. Ngoài những nguyên nhân trên vẫn còn nhiều yếu tố khác như chất lượng nước, độ sâu mực nước, khâu chăm sóc quản lý không chu đáo, … cũng ảnh hưởng năng suất cá nuôi. Như vậy theo tôi để cá nuôi đạt hiệu quả cao, người nuôi phải am hiểu các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất cá nuôi.
PV: Theo như kỹ sư đã đề cập ở trên, có thể nói hiện nay người nuôi vẫn chưa tìm hiểu các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất cá nuôi. Vậy kỹ sư có thể khái quát các biện pháp đó không?
KS.Thủy: Để nâng cao năng suất cá nuôi, người nuôi cần lưu ý một số kỹ thuật sau:
Thứ nhất là về độ sâu ao và bờ ao. Mỗi loài cá khác nhau thích hợp với độ sâu khác nhau. Tuy nhiên, trong cùng điều kiện ao nuôi, ao có độ sâu hơn sẽ khai thác năng suất tốt hơn. Ao thường đào sâu 1,5 – 2,5 m, không sâu quá 3m. Bờ ao phải cao hơn mực nước cao nhất trong năm với mức nước tối thiểu là 0,5 m nhằm tránh thất thoát cá. Đặc biệt khi nuôi cá chình, người nuôi phải rào lưới tránh cá di chuyển đi nơi khác. Còn trong mùa lũ, người dân phải có biện pháp bảo vệ bờ ao chắc chắn. Trong quá trình xây dựng ao phải đảm bảo mặt nước ao thông thoáng để tạo điều kiện cho sự phát triển của thức ăn tự nhiên cũng như dưỡng khí (oxy) được hòa tan trong nước dễ dàng.
Thứ hai là nguồn nước và chất lượng nước. Yêu cầu đầu tiên cho thủy sản phát triển là môi trường sống của chúng. Nước có chất lượng tốt là tiêu chí quan trọng hàng đầu nhưng nguồn nước đủ và chủ động sẽ góp phần nâng cao hiệu quả nuôi. Trong quá trình nuôi, người dân cần định kỳ thay nước trong ao để kích thích sự tăng trưởng của cá, hạn chế chất độc lưu tồn. Tốt nhất là cứ mỗi tháng thì bà con thay nước một lần.
Trong thực tế, việc theo dõi và đánh giá chất lượng nước ao người nuôi có thể sử dụng các dụng cụ đo chất lượng nước như các test pH, oxy, khí độc, … Bên cạnh đó, người nuôi kết hợp với quan sát màu nước:
+ Nước tốt, ao phì nhiêu là ao có màu nước xanh lá chuối non hoặc màu vỏ đậu xanh.
+ Nước tương đối tốt: hơi đục, có màu cỏ úa (vàng lục, vàng nâu).
+ Nước xấu: màu đen, đen lục hay đen vàng, có khi nước đục không màu sắc.
+ Nước độc: màu đen, xám hay đỏ vàng. Gặp lúc nắng gắt, nhiệt độ nước lên cao, nước ao nổi bọt, nước có mùi tanh hôi, trên mặt đóng váng dày đặc.
Thứ ba là giống tốt. Đây là yếu tố quan trọng quyết định năng suất sau này. Chọn cá đồng đều, màu sắc trơn láng, vây, vẩy đầy đủ, hoạt động nhanh nhẹn, không bệnh tật, không dị hình và kích thước đạt tiêu chuẩn theo giống: Mè trắng, Mè hoa là 10-12 cm; Trắm cỏ là 12 – 15 cm; Rô Phi là 4 – 6 cm; cá Tra là 12 – 15 cm; cá Chép là 8 – 10 cm; Tai Tượng là 5 – 7 cm; Mùi là 3 – 5 cm. Ngoài ra, trong khi vận chuyển, tốt nhất là người dân chứa cá trong bao nilông có bơm dưỡng khí, vừa tránh sây sát vừa giảm tỷ lệ hao hụt. Lúc thả cá, người nuôi nên ngâm túi đựng cá giống trong ao dự định thả khoảng 15 phút để cân bằng nhiệt độ. Sau đó mở miệng bao cho nước ao từ từ vào túi chứa cá để nước trong túi và ao hòa đồng nhiệt độ, sau đó nhẹ nhàng trút túi cho cá ra ngoài.
PV: Bên cạnh những biện pháp nêu trên, vấn đề nuôi ghép, mật độ thả nuôi, cũng như nguồn thức ăn đầy đủ có góp phần nâng cao năng suất cá nuôi không. Kỹ sư có thể giải thích thêm?
KS.Thủy: Đúng như vậy, ngoài những biện pháp trên việc nuôi ghép thích hợp cũng đáng quan tâm. Nuôi ghép nhiều loại cá với một tỷ lệ thích hợp cho hiệu quả cao hơn là nuôi duy nhất một loại. Nuôi ghép cho phép tận dụng được các nguồn thức ăn tự nhiên trong ao vì môi trường nước trong ao chia làm 3 tầng khác nhau cho các loài cá sinh sống:
+ Tầng mặt dành cho họ cá Mè.
+ Tầng giữa dành cho nhóm cá cá Mùi, Tai Tượng, Trắm Cỏ, Rô Phi, Tra.
+ Tầng đáy dành cho nhóm cá Chép, Trắm Trôi, Trê, Bống Tượng.
Mỗi loài cá có tập tính sống thích hợp khác nhau theo tầng nước, do đó khi nuôi ghép theo nhóm loài và theo tỷ lệ thích hợp thì người nuôi sẽ tận dụng được tối đa nguồn thức ăn tự nhiên trong ao. Tuy nhiên, người nuôi cần tính toán chọn lựa loại cá nào và tỷ lệ ghép như thế nào để không ảnh hưởng đến sự cạnh tranh thức ăn trong cùng một tầng nước. Ví dụ: tỷ lệ ghép thích hợp giữa Rô phi và Chép là 4/1, giữa Mè Trắng và Mè Hoa là 10/1 hoặc 8/1. Thông thường tầng trên thả 40 – 60%, tầng giữa 20 – 30% và tầng đáy là 10 – 20%.
Về mật độ: người nuôi lưu ý, mật độ thả tùy thuộc vào loại hình nuôi, điều kiện nuôi, lượng thức ăn cung cấp và kích thước cá giống. Những ao rộng, sâu có điều kiện thay nước thường xuyên và đầy đủ thức ăn thì người nuôi có thể thả với mật độ cao hơn. Ngược lại thì phải thả thưa hơn. Ao nước thường xuyên ở trạng thái tĩnh thì có thể thả 5 – 7 con/m2. Riêng cá Tra thì có thể thả mật độ cao hơn do cá Tra vẫn sống được trong môi trường chật chội.
Về thức ăn: nếu lượng thức ăn tự nhiên trong ao không đủ cho cá thì người nuôi cần cung cấp thêm thức ăn tùy thuộc vào đối tượng cá nuôi chính trong ao, mật độ thả và tính chất nước.
Đối với các loài cá ăn lọc, người nuôi cần sử dụng phân chuồng bổ sung, vừa gây màu nước vừa làm nguồn thức ăn trực tiếp nhằm giảm giá thành sản xuất sản phẩm. Hàng tuần bổ sung phân chuồng từ 7 – 13 kg/100 m2ao, bón vào góc ao và ở phía đầu gió.
Đối với các loài cá ăn tạp thiên về động vật, ngoài nguồn thức ăn cá tạp là chủ yếu, người nuôi nên bổ sung các phế phẩm lò mổ, hay phối trộn thức ăn với cám gạo, bột đậu nành, … để giảm chi phí thức ăn mà vẫn đảm bảo tăng trưởng của cá.
Trong quá trình cho ăn, bà con lưu ý nên cho ăn ở địa điểm nhất định và đóng khung hoặc làm sàng cho cá  ăn. Nên sử dụng các loại thức ăn đơn giản, dễ tìm như cám, bột bắp, khoai lang, khoai mì, bã đậu, khô dừa, bột cá, rau cỏ, thân chuối xắt nhỏ, rong bèo, …
PV: Như vậy với những biện pháp nêu trên có thể giúp cho người nuôi nâng cao năng suất cá nuôi một cách hiệu quả. Tuy nhiên vấn đề dịch bệnh sẽ như thế nào, cũng như cách quản lý ra sao để hạn chế chúng không ảnh hưởng đến năng suất cá nuôi?
KS. Thủy: Về vấn đề quản lý: Người nuôi nên thường xuyên thăm ao, ít nhất 2 lần trong ngày. Theo dõi hoạt động của cá để phát hiện kịp thời hiện tượng cá nổi đầu. Bình thường cá nổi đầu vào sáng sớm đến khi mặt trời lên cao và lặn nhanh khi có tiếng động. Ngược lại, sau 8 giờ sáng mà cá nổi đầu nhiều kể cả khi có tiếng động vẫn không lặn là hiện tượng bất thường. Biện pháp đối phó tức thời là thay 2/3 lượng nước trong ao, người nuôi thêm nước mới vào, ngưng không cho ăn 1 – 2 ngày, không bón phân, vớt bớt rau bèo trên mặt ao… hoặc cũng có thể san bớt cá hoặc đánh bắt nếu như cá đã lớn.
Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, người dân nên chủ động các biện pháp phòng bệnh. Nếu khâu chuẩn bị ao và cải tạo ao tốt, quản lý ao chu đáo, sẽ hạn chế được rất nhiều bệnh. Hơn nữa, việc trị bệnh cho cá rất phức tạp và hiệu quả thường không cao. Do vậy, bà con cần xem việc phòng bệnh cho cá là yêu cầu có tính quyết định. Có như thế mới đảm bảo nâng cao được năng suất cá nuôi.

                                                                                                         Dũng cá – Lệ Thủy

Đăng bình luận