Cá lóc là một trong những loài cá đặc trưng đang được nuôi nhiều trên địa bàn tỉnh.Cá có thể sống trong môi trường chật hẹp hay điều kiện nước bẩn, nước tù, thiếu ôxy. Đây cũng là ưu thế để phát triển các mô hình nuôi thâm canh trong ao, vèo và bể lót bạt… Thời gian gần đây, do giá cả các loại cá tạp làm thức ăn nuôi cá tăng cao nên đa số nông dân thường sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi cá lóc sẽ hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và hạn chế làm cạn kiệt nguồn cá tự nhiên. Trong bài viết này, chúng tôi trao đổi với anh Dũng cá, để giúp người nuôi hiểu rõ hơn một số vấn đề lưu ý trong nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp.
Mùa vụ thả giống trên địa bàn tỉnh kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, tập trung vào tháng 7-8 hằng năm.Hiện nay, đây là thời điểm thả giống thích hợp và việc chọn giống cá lóc nuôi phù hợp với người dân là khá quan trọng. Xin anh chia sẻ về vấn đề này?
Hiện nay, có 4 loài cá lóc được người dân nuôi phổ biến là: cá lóc đen, cá lóc bông, cá lóc môi trề – một số nơi gọi là cá lóc đầu vuông và cá lóc nhím (cá lóc lai giữa cá lóc đen và cá lóc môi trề). Hai đối tượng cá lóc nuôi chủ yếu trên địa bàn tỉnh đó là cá lóc đầu vuông và cá lóc đầu nhím. Mặc dù cá lóc đầu vuông lớn nhanh, nếu cho ăn đầy đủ khoảng 2,5 tháng đến 3 tháng đạt kích cỡ thương phẩm nhưng loại cá này rất dễ bị nhiễm bệnh. Nên hiện nay cá lóc đầu nhím được người nuôi ưa chuộng bởi thịt ngon, bán được giá, ít bị bệnh và dị tật, thời gian nuôi tương đối ngắn khoảng 4,5 đến 5 tháng.
Để chọn được con giống tốt bà con cần chú ý:
Chọn mua cá lóc giống ở những nơi tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng,có kích cỡ đồng đều, không dị hình, không bị sây sát và mất nhớt. Cá khoẻ thường bơi chìm và bơi nhanh nhẹn theo đàn.Nên nuôi cỡ cá lớn, trọng lượng từ 15 đến 20g/con (cỡ cá khoảng 8-10cm/con). Trước khi thả nuôi, cá giống nên được tắm nước muối 2-3 %(200-300g/10 lít nước) trong khoảng 15- 20 phút. Nên thả giống vào lúc nhiệt độ thấp, buổi sáng sớm hoặc chiều mát.
Các mô hình nuôi cá lóc chủ yếu sử dụng thức ăn tươi sống như cá tạp, ốc bươu vàng, cua đồng….Hiện nay nguồn cá tạp năm nay giá khá cao nên người dân đang dần dần chuyển sang nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp. Vậy khi sử dụng thức ăn công nghiệp trong quá trình nuôi cần được áp dụng như thế nào hợp lí và đạt năng suất hiệu quả, thưa anh?
Cá lóc là loài ăn thiên về động vật và là loài cá dữ, nên thức ăn cho cá lóc đòi hỏi có hàm lượng dinh dưỡng rất cao.Nếu thiếu thức ăn, thì cá lớn sẽ ăn cá nhỏ.
Do đó tùy thuộc vào cỡ cá mà chọn kích cỡ viên thức ăn và độ đạm thích hợp như sau: cá trọng lượng từ 5-10g nên cho ăn thức ăn có hàm lượng đạm 44%, đường kính 2mm; trọng lượng 10-300g nên cho ăn thức ăn có hàm lượng đạm 41%,đường kính tăng dần tuỳ theo cỡ miệng của cá.
Cách tập cho cá lóc ăn thức ăn công nghiệp:
– Tuần lễ thứ 1: Trộn 80% thức ăn tươi sống + 20% thức ăn công nghiệp.
– Tuần lễ thứ 2: Trộn 60% thức ăn tươi sống + 40% thức ăn công nghiệp
– Tuần lễ thứ 3: Trộn 40% thức ăn tươi sống + 60% thức ăn công nghiệp
– Tuần lễ thứ 4: Trộn 20% thức ăn tươi sống + 80% thức ăn công nghiệp
– Sau 28 ngày thì cho cá ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp.
Cách cho ăn: cho ăn ngày 2-3 lần, Dùng tre hoặc trúc làm sàn ăn có diện tích khoảng 1m2. Sàn đặt cách bờ 4-5m nổi trên mặt nước. Với việc làm sàn ăn cho cá lóc thì sẽ theo dõi được quá trình ăn của cá để biết cá ăn mạnh hay yếu mà điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, tránh trường hợp thức ăn dư thừa, dẫn đến ô nhiễm ao nuôi.Tỷ lệ sử dụng thức ăn của cá trong suốt quá trình nuôi như sau:
+ Cá lóc dưới 50g cho ăn 3,5 – 4,5% trọng lượng cơ thể trong ngày.
+ Cá lóc 50 – 200g cho ăn 3 – 4% trọng lượng cơ thể trong ngày.
+ Cá lóc >= 200g cho ăn 2 – 2,5% trọng lượng cơ thể trong ngày.
Hiện tại trên thị trường đã có loại thức ăn công nghiệp chuyên dùng cho nuôi cá lóc, nhưng vì cá lóc là loài nhu cầu dinh dưỡng về đạm động vật rất cao. Theo được biết, bệnh gù lưng thường xảy ra ở cá lóc nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Thông tin này có đúng không? Anh có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
Về tình trạng gù lưng của cá lóc, thì theo được biết, bệnh gù lưng không chỉ xảy ra ở cá lóc nuôi bằng thức ăn công nghiệp, mà ngay cả đối với cá lóc được cho ăn chỉ toàn là cá tươi sống cũng mắc phải dị tật nầy. Bệnh gù lưng cá lóc thường thể hiện ở hai dạng:
– Dạng bệnh nặng thì nhìn cá rất xấu vì phần đầu cá bị gãy cúp xuống do trong khẩu phần ăn của cá bị thiếu khoáng chất. Tuy hàm lượng đạm có đầy đủ, nhưng có thể vẫn còn thiếu nhiều loại khoáng chất thiết yếu và vitamin, đặc biệt là vitamin C.
– Còn dạng nhẹ hơn thì nhìn sơ cá chỉ khuyết tật chút ít, nhưng do bị lệch cột sống cho nên khi để trong thau chậu nó chỉ nằm nghiêng một bên do cá bị bệnh, sức đề kháng giảm. Quá trình trộn thuốc cho cá ăn tức là đưa một lượng lớn hóa chất vào cơ thể cá để diệt mầm bệnh đã tạo ra sự co rút của cơ và xương, dẫn đến cá bị gù lưng.
Đối với cả hai dạng bệnh gù lưng như trên đều bị loại và đưa vào dạng cá dạt, tức giá mua tối đa chỉ chừng 50% so với giá mua cá bình thường.
Như vậy, để phòng bệnh này, quá trình nuôi giai đoạn giống nên sử dụng thức ăn viên công nghiệp có độ đạm khoảng 44%, sau 2 tháng thì hàm lượng đạm giảm dần, đảm bảo cho cá sinh trưởng và phát triển. Ngoài ra, cần cung cấp đầy đủ vitamin C, nhất là khoáng chất vào khẩu phần ăn hàng ngày để giảm bệnh gù lưng trên cá. Liều lượng cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Pingback: Top 10 Kỹ Thuật Nuôi Cá Lóc Bằng Thức An Công Nghiệp Interconex
Pingback: Top 11 Nuôi Cá Lóc Bằng Thức Ăn Công Nghiệp Interconex