Saturday, 27 Jul 2024
Tin tức

Một số biện pháp tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản

Trong ao nuôi thủy sản mầm bệnh luôn hiện diện trong ao, tuy nhiên mầm bệnh có phát triển được hay không phụ thuộc vào điều kiện chất lượng nước ao và sức đề kháng của vật nuôi. Nếu vật nuôi có sức đề kháng tốt, có khả năng chống đỡ lại các yếu tố gây bệnh thì vật nuôi không bệnh hoặc bệnh nhẹ. Ngược lại khả năng chống đỡ yếu, thì vật nuôi dễ dàng nhiễm bệnh. Do đó việc tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản là một trong những khâu quan trọng nhất để giảm chi phí điều trị, tăng năng suất, cũng như lợi nhuận cho vụ nuôi. Một số biện pháp để tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản:

Thứ nhất là Cải tạo ao: Thực hiện cải tạo ao thật tốt trước khi thả nuôi. Nên vét bùn ao nuôi, diệt khuẩn thật kỹ nhằm tiêu diệt mầm bệnh của vụ nuôi trước. Khử trùng nước ao, kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nằm trong ngưỡng cho phép trước khi thả nuôi.

Thứ hai là Chọn giống: Chọn con giống đồng đều cỡ, không dị tật, xây sát, có khả năng miễn dịch đối với một số bệnh và sinh trưởng nhanh. Nên chọn mua ở các cơ sở uy tín, các viện nghiên cứu….

Thứ ba là Nuôi xen canh các loài thủy sản khác: Các chất thải từ phân, nước tiểu và thức ăn dư thừa tích lũy trong ao nuôi tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, nguồn nước bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước trong ao nuôi và tăng khả năng cảm nhiễm của vật nuôi. Do đó có thể nuôi xen canh các đối tượng thủy sản với nhau để tận dụng nguồn thức ăn thừa trong ao để khắc phục tình trạng này.

Thứ tư là Quản lý chăm sóc sức khỏe vật nuôi: Cần theo dõi sức khỏe vật nuôi thường xuyên kiểm tra ao nuôi, cho ăn theo “4 định”: định chất lượng thức ăn, định số lượng thức ăn, định vị trí cho ăn, định thời gian cho ăn.

Thứ năm là Bổ sung dinh dưỡng: 

– Men vi sinh là một chế phẩm sinh học probiotic và ezyme tổng hợp ở dạng khô hoặc có thể ở dạng nước đối với một số chế phẩm EM trên thị trường hiện nay, dùng để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột. Liều lượng sử dụng trộn 0,5 – 1 g/kg thức ăn, cho động vật thủy sản ăn suốt trong vụ nuôi. Chất dẫn dụ và kích thích bắt mồi được đưa vào với mục đích kích thích vật nuôi ăn nhiều hơn.

– Các chất dẫn dụ cá, tôm thường có chung đặc điểm đó là các hợp chất chứa nito, không bay hơi, có khối lượng phân tử rất nhỏ, tan trong nước, ổn định ở nhiệt độ cao. Việc bổ sung chất dẫn dụ sẽ kích thích vật nuôi phát hiện ra thức ăn nhỏ nhiều hơn so với lượng cần thiết để cá, tôm bắt mồi. Tuy nhiên, chỉ nên bổ sung chất dẫn dụ với một lượng vừa phải để tránh hiện tượng phản tác dụng.

– Vitamin C tăng cường bổ sung vitamin C cho vật nuôi vào những mùa bệnh xảy ra nhiều. Liều lượng 50 – 60 mg/kg thức ăn/ngày.

Tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản là một trong những yếu tố giúp thành công trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế và hạn chế ô nhiễm môi trường./.

Nguồn: Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Long An

Đăng bình luận