Thursday, 25 Apr 2024
Tài liệu kỹ thuật Tin tức

Kỹ thuật nuôi lươn đồng tại nhà – Dũng cá

Trong bài viết này, Dũng cá sẽ chia sẻ cùng quý vị kỹ thuật nuôi lươn đồng tại nhà.

Lươn là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và được sử dụng chế biến thành nhiều món ăn ngon được nhiều người yêu thích như miến lươn, cháo lươn, lươn xào sả ớt…

Nguồn lươn tự nhiên không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường nên nuôi lươn thương phẩm trở thành ngành nghề gây sốt và rất có tiềm năng tại Việt Nam. Không ít người nông dân đã thoát nghèo bền vững từ mô hình chăn nuôi lươn thương phẩm. Có những địa phương trở nên nổi tiếng khắp cả nước với nghề nuôi lươn thương phẩm.

1/ Hình thức nuôi: có 2 hình thức nuôi phổ biến

a. Nuôi lươn có bùn

Lươn là loài động vật máu lạnh nên khi xây dựng bồn nuôi lươn, các bạn cần phải lựa chọn khu vực đất cao ráo, kín gió và có thể cung cấp được nguồn nước với chất lượng tốt. Việc xây dựng bồn nuôi lươn cũng vô cùng đơn giản và không đòi hỏi chi phí quá cao. Bạn chỉ cần thực hiện một bồn chứa có diện tích khoảng 10 – 30 m2, chiều cao mỗi bồn từ 1 – 1,2 m và phủ trên là tấm bạt nylon không thấm nước là hoàn tất chiếc bồn cơ bản.

Sau khi xây dựng bồn nuôi lươn cơ bản, bạn hãy đổ đất vào trong bồn. Lưu ý, đất nên chiếm khoảng 1/2 – 2/3 diện tích để lươn có thể chui vào đó cư trú. Tiếp đến, bạn hãy đổ nước có chiều sâu 20-30cm, không để nước sâu quá sẽ ảnh hưởng đến tốc tộ tăng trưởng của lươn. Ngoài ra, loài động vật này thường chui rúc vào những chỗ tối, ít ánh sáng nên bạn có thể thả thêm lục bình, rau dừa để tạo bóng râm. Bạn cũng thể trồng thêm một số cây bên ngoài bồn để tạo bóng mát, giúp quá trình nuôi lươn được thuận lợi hơn.

b. Nuôi lươn không bùn

Bể xi măng mặt trong ốp gạch men/gạch tàu hoặc lót bạt (để tránh cho lươn bị trầy xướt) hay đơn giản hơn là dùng tre đóng thành khung nổi trên mặt đất và lót bạt hoặc đầu tư một bể compostie. Bể nuôi nên thiết kế hình chữ nhật, diện tích dao động từ 6 – 20 m2, chiều cao khoảng 0,7 – 1 m  ,trên thành bể viền các gờ bằng gạch tàu để đề phòng lươn thoát ra ngoài

– Vị trí yên tĩnh, có bóng mát, dễ lấy nước và thoát nước  và làm mái che.

– Đáy bể phải được làm dốc về phía cống thoát để có thể dễ dàng đưa thức ăn thừa , chất bài tiết của lươn khi tháo cạn thay nước .Cống thoát nên được thiết kế bằng ống nhựa PVC được khoan lỗ nhỏ hơn kích cỡ lươn hoặc bọc lưới để tránh lươn bị hút ra ngoài khi thay nước. Hệ thống cấp nước nên đặt sát đáy bể và đối diện cống thoát để có thể tận dụng sức nước tống cặn bã về phía cống thoát. – Bể nuôi lươn nếu xây mới thì giá thể phải được ngâm ít nhất 1 tuần (thay nước hàng ngày)

– Giá thể cho lươn trú ẩn (đồng thời là “sàn ăn”) gồm 3 khung nhựa PVC đặt chồng lên nhau chiếm khoảng 1/3 diện tích bể, mỗi khung bao gồm các ống PVC được nối song song cách nhau 10 cm. Khung trên cùng được đan thêm các dây nylon để có thể giữ được thức ăn khi cho lươn ăn – Hạn chế ánh sáng chiếu trực tiếp vào bể làm tăng nhiệt độ nước, toàn bộ bể nuôi nên được che mát bằng lưới cách nhiệt (lưới lan) loại dày. Hoặc đơn giản chỉ dùng nilong cho vào bể làm nơi trú ẩn và bắt mồi của lươn.

2. Kỹ thuật chọn con giống

Nên chọn lươn ở cơ sở sản xuất giống uy tín. Lươn đồng màu, đồng cỡ và phản ứng linh hoạt với tác động ngoại lực vào thành thau, chậu chưa lươn giống.

Về cơ bản, lươn sẽ được chia thành 3 loại cơ bản. Bạn nên lựa chọn loại thứ nhất, đặc trưng bởi màu vàng sẫm sẽ mang đến khả năng phát triển tốt nhất. Trong khi đó, lươn có màu màu vàng xanh sẽ cho tốc độ phát triển kém hơn. Cuối cùng, loại lươn có màu xám tro thường khá chậm lớn, bạn không nên lựa chọn loại này khi muốn nuôi lươn cho năng suất cao.

Sau khi lựa chọn được con giống, bạn cần phải lưu ý đến kích thước lươn con để có thể thả nuôi tốt nhất. Hiện nay trên thị trường có nhiều kích cỡ khác nhau như: 1.000 con/kg; 500 con/kg và 300 con/kg. Hiện nay, kích cỡ từ 500 con/kg trở lên đã được thuần chuyển sang thức ăn viên công nghiệp nên rất dễ trong nuôi thương phẩm lươn.

Đối với nuôi lươn không bùn thì mật độ dao động từ 200 – 250 con/m2. Đối với nuôi lươn có bùn thả 60 – 80 con/m2.

Khi thả lươn vào bể cần tắm muối sát khuẩn với nồng độ 3% giúp lươn khỏe và hạn chế tối đa mầm bệnh khi vào bể nuôi.

3. Kỹ thuật cho lươn ăn

Cho lươn ăn ngày 2 – 3 bữa bằng thức ăn viên công nghiệp với độ đạm trên 40%. Do thức ăn viên nổi nên cho lươn ăn theo nhu cầu, khi thấy dư nên điều chỉnh cho các cữ ăn tiếp theo.

Nên trộn các sản phẩm bổ sung cho lươn như: men tiêu hóa, giải độc gan và khoáng ăn và vitamin tăng cường sức đề kháng. Định kỳ 1 tháng xổ ký sinh trùng 01 lần.

Để đảm bảo tốc độ phát triển cũng như sức khỏe, khi nuôi lươn bạn cần phải lưu ý không cho lươn ăn thức ăn ôi, với thức ăn thừa bạn nên vớt ra khỏi bồn tránh làm ô nhiễm nguồn nước.

4. Kỹ thuật vệ sinh bồn chứa

Luôn chủ động nguồn nước sạch để nuôi lươn. Thay nước mỗi ngày từ 1 – 2 lần. Nếu sử dụng men vi sinh tốt có thể 7 ngày thay và vệ sinh bể nuôi 1 lần.

Người nuôi cần lưu ý chênh lệch nhiệt độ trong bể (không quá 30oC) khi thay đổi nước hoặc ngày đêm do mức nước trong bể thấp; thường xuyên tắm muối, bổ sung vitamin C chống sốc sau khi thay đổi nước…

5. Thu hoạch

Khi được chăm sóc tốt, lươn sẽ phát triển nhanh đạt kích cỡ thương phẩm. Thường từ 10 – 15 tháng tùy kích cỡ, sẽ tiến hành thu hoạch./.

Dũng cá

3 Comments

Đăng bình luận