Friday, 26 Apr 2024
Tài liệu kỹ thuật

Kỹ thuật nuôi cá đối mục thương phẩm trong ao đất

Có hai hình thức nuôi cá đối mục (Mugil cephalus Linnaeus, 1758) trong ao đất, đó là: Nuôi đơn: cá đối mục được nuôi bán thâm canh và thâm canh trong các ao nuôi chuyên canh; Nuôi ghép: cá đối mục thường được nuôi ghép với tôm nước lợ hoặc các loài cá khác.

Cá đối mục giống

1. Chọn địa điểm ao nuôi

Nguồn nước dùng để nuôi cá đối mục thương phẩm phải sạch không bị ô nhiễm, xa khu dân cư, xa nguồn nước thải công nghiệp, đảm bảo các yếu tố môi trường ổn định. Đồng thời, gần đường giao thông, gần nguồn cá giống (cá tự nhiên và nhân tạo), gần nguồn điện,…

Chọn vị trí xây dựng ao nuôi ở vùng trung triều, biên độ thủy triều khoảng 2-3 m để tiện cho việc cải tạo ao, tháo và lấy nước trong quá trình nuôi, các yếu tố môi trường phải đảm bảo các chỉ tiêu sau: Độ mặn 0-30 ‰, nhiệt độ 26- 32 độ C, hàm lượng oxy 3-5 mg/l, pH 7,5-8,5, NH3 < 1mg/l, H2S< 0,3mg/l, Chất đáy ao là cát bùn, bùn cát, bùn pha sét.

2. Thiết kế, xây dựng và chuẩn bị ao nuôi

Ao nuôi có diện tích 1.000 – 20.000 m2, tốt nhất là từ 2.000 – 5.000m2; Độ sâu mực nước từ 1,2 –1,5 m, có cống cấp và thoát nước riêng,.

Cải tạo ao tốt, triệt để nhằm diệt trừ địch hại, mầm bệnh và các sinh vật cạnh tranh gây nguy hiểm cho cá giống. Các biện pháp cải tạo ao, chuẩn bị ao nuôi tiến hành như sau:

+ Ao nuôi phải được tháo cạn nước, vét bùn, rửa sạch đáy ao, rải vôi với liều lượng 10 kg/100 m2 với những ao có pH ≥ 6,5. Nếu ao có pH ≤ 6, phải tăng liều lượng bón vôi.

+ Sau đó lấy nước vào ao, mực nước 1 – 1,2m. Dùng các sản phẩm gây màu tạo thức ăn tự nhiên và màu nước đẹp trước khi thả cá. Độ trong của ao nuôi được duy trì ở mức độ cần thiết (khoảng 30-40cm).

3. Kỹ thuật chọn và thả cá

Cá giống thả vào ao nuôi cá thương phẩm phải đồng đều về kích thước, chiều dài toàn thân đạt 6-8 cm. Cá không bị bệnh, không xây sát, bơi lội hoạt bát, có màu trắng sáng.

Thả cá giống: Tùy vào việc nuôi đơn hay nuôi ghép mà hình thức thả giống khác nhau.

Cá đối địa phương thường chậm lớn Cá đối địa phương

– Nuôi đơn:

Sau khi cải tạo ao, lấy nước vào có thể thả cá giống nuôi ngay với mật độ 2-3 con/m2, cá giống có trọng lượng 10-15gr/con.

– Nuôi ghép:

Nuôi ghép cá đối mục với cá rô phi và cá chép trong các ao nuôi bán thâm canh, cá đối giống được thả với mật độ 3- 4 con/m2, cá chép thường có trọng lượng 100 g/con được thả với mật độ 2-3 con/m2 và cá rô phi giống có trọng lượng 10-15 gam/con được thả với mật độ 60-75 con/m2. Nuôi ghép với tôm: thả tôm mật độ 60 – 70 con/m2, cá đối thả 1 con/m2. Mục đích của việc nuôi ghép là để cá đối mục ăn bớt tảo và thức ăn thừa, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm chi phí…

4. Chăm sóc và quản lý

a. Thức ăn và cách cho ăn

Trong thời gian nuôi kéo dài khoảng 7-8 tháng, sử dụng thức ăn viên công nghiệp dành cho cá có vảy với khẩu phần hợp lý theo kích cỡ trọng lượng cá (5-15% trọng lượng thân). Do cho cá ăn thức ăn viên nổi nên dễ dàng kiểm tra lượng thức ăn dư thừa và điều chỉnh cho hợp lý.

Đối với nuôi ghép với tôm thì chỉ cho tôm ăn theo quy trình nuôi, còn cá sử dụng thức ăn thừa từ tôm để phát triển. Nếu nuôi ghép với cá khác thì vẫn sử dụng thức ăn viên, có thể bổ sung phân để tạo thức ăn tự nhiên, giảm chi phí nuôi và tăng hiệu quả kinh tế.

Sử dụng các loại máy đảo nước, máy sục khí để duy trì hàm lượng oxy hòa tan tối ưu, đặc biệt là sau khi mặt trời lặn. Trong thời gian đầu của quá trình nuôi chỉ chạy máy quạt nước vào buổi tối, khi cá lớn tùy theo tổng khối lượng cá trong ao mà điều chỉnh thời gian chạy máy quạt nước cho phù hợp.

b. Quản lý các yếu tố môi trường

Trong quá trình nuôi, thường xuyên theo dõi màu nước, xác định các yếu tố môi trường, theo dõi các yếu tố môi trường và tốc độ tăng trưởng của cá để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp. Theo dõi tình trạng sức khỏe, các bệnh lý để có biện pháp xử lý kịp thời.

c. Thay nước

Đối với ao nuôi đơn thường xuyên thay nước và cấp nước thêm cho ao, lượng nước thay từ 20-30%.

Đối với ao nuôi ghép, do phải duy trì màu nước, thức ăn tự nhiên cho nên hạn chế thay nước, khoảng 3-5 ngày thay một lần.

Trong ao nuôi cá đối mục thương phẩm, mực nước phải đảm bảo độ sâu trên 1,2 m, độ trong 20-30 cm.

d. Phòng bệnh

Hệ thống ao nuôi, trang thiết bị và dụng cụ trong trại sản xuất giống phải được thường xuyên vệ sinh, xử lý mầm bệnh và tiệt trùng.

Giống cá trước khi thả nuôi cần phải xử lý bệnh, tắm trong dung dịch xytetracylin 5 ppm. Thời gian khoảng 30-60 phút.

5. Thu hoạch:

Sau 7-8 tháng nuôi, cá đối mục có thể đạt trọng lượng 0,75-1 kg/con, nếu nuôi hai năm, cá đối mục có thể đạt 1,5-1,75 kg/con.

Đăng bình luận