Friday, 29 Mar 2024
Tin tức

Giải pháp giảm chi phí sản xuất trong nuôi tôm thương phẩm

Hiện nay, giá các loại vật tư phục vụ nuôi tôm ngày càng tăng cao, trong khi mức độ rủi ro của nghề nuôi tôm vẫn ở mức cao và giá tôm thương phẩm có xu hướng giảm thấp. Do đó, trăn trở của người nông dân là làm thế nào để giảm giá thành sản xuất, đảm bảo lợi nhuận nhằm phát triển lâu dài nghề tôm này. Nắm được vấn đề này, người nuôi cần biết một số giải pháp giảm chi phí sản xuất trong nuôi tôm thương phẩm như sau:

Một là chi phí thức ăn: Việc quản lý tốt lượng thức ăn, hạn chế dư thừa, giảm hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR) là giải pháp tối ưu và hiệu quả để giảm giá thành sản xuất. Người nuôi nên chia nhỏ cữ ăn theo nguyên tắc “lượng ít lần nhiều” hoặc nên trang bị các hệ thống cho ăn tự động có kết nối với những công nghệ thông minh tính toán hợp lý lượng thức ăn khi cho tôm ăn thì sẽ tiết kiệm được lượng thức ăn đáng kể.  Ngoài ra, Giá thức ăn ngày càng tăng, việc mua thức ăn phụ thuộc khá lớn vào đại lý làm cho chi phí tăng cao. Trong khi đó, chi phí thức ăn chiếm hơn 50% tổng giá thành nuôi tôm. Vì thế, các hộ nuôi tôm cần phải liên kết lại với nhau để mua thức ăn trực tiếp từ nhà máy hoặc mua từ các đại lý cấp 1 với mức chiết khấu cao từ đó có thể giảm khoảng 10 – 20% giá thành sản xuất.

Hai là chi phí thuốc: Thông thường, người nuôi sẽ chi ra từ 10 – 15% chi phí thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học cho vụ tôm. Nên để giảm chi phí này thì việc quản lý tốt thức ăn sẽ là giải pháp hữu hiệu. Bởi vì khi thức ăn không dư thừa thì môi trường ít ô nhiễm nên chất lượng nước ổn định sẽ hạn chế việc sử dụng nhiều thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường, cũng góp phần giảm đáng kể chi phí sản xuất. Ngoài ra, khuyến cáo người nuôi tôm nên liên hệ mua trực tiếp từ nhà sản xuất để nhận được giá rẻ từ 20 – 40%.

Ba là chi phí tôm giống: Việc chọn mua con giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ dẫn đến nhiều rủi ro và sẽ thiệt hại nhiều khi tôm phát bệnh trong giai đoạn nuôi. Do đó, mặc dù chi phí con giống chiếm tỉ lệ 8 – 10% nhưng người nuôi nên cân nhắc ưu tiên chọn con giống đạt chuẩn. Con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, đã kiểm tra không nhiễm các mầm bệnh nguy hiểm như bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, MBV, EHP,… Khi thả giống cần đảm bảo các khâu kỹ thuật thả giống để hạn chế hao hụt.

Bốn là chi phí năng lượng: Năng lượng chiếm khoảng 5% tổng chi phí, do đó, nên chọn các thiết bị phục vụ cho nuôi tôm tiêu thụ điện năng thấp và công suất phù hợp với điều kiện nuôi để tránh lãng phí điện năng. Nên lắp đặt và sử dụng tủ điều khiển điện tự động vừa đảm bảo an toàn điện, vừa kiểm soát tốt nguồn năng lượng điện tránh sử dụng điện lãng phí. Một số cơ sở chủ động lắp đặt năng lượng điện mặt trời cũng là giải pháp tối ưu giảm chi phí năng lượng điện trong sản xuất.

Năm là chi phí lao động: nhân công có xu hướng khan hiếm nên chi phí nhân công ngày càng cao. Việc thay thế máy móc vào quy trình công nghệ thâm canh hóa sẽ giảm nhân công đáng kể. Nên tận dụng những trang thiết bị và công nghệ tiên tiến vào trong quy trình sản xuất như sử dụng máy cho ăn tự động, hệ thống cảm biến giám sát môi trường,… tạo cho sự bền vững và ít phụ thuộc đến nhân công lao động phổ thông mang lại thành công cao hơn.

Sáu là sản lượng thu hoạch: để tăng năng suất và sản lượng thu hoạch, người nuôi nên chọn phương án thu tỉa nhiều đợt. Khi ao nuôi đủ sức chứa thì tiến hành thu hoạch đợt 1 và tiếp tục nuôi để đạt sức chứa tiếp theo. Có thể thu hoạch tối đa 3 lần/vụ. Việc thu tỉa sẽ giúp tăng giá tôm thương phẩm và năng suất nên hiệu quả sẽ tăng cao.

Như vậy, với những lưu ý nêu trên, mong rằng những vụ nuôi tôm sắp tới bà con sẽ áp dụng và quản lý tốt chi phí để giảm giá thành sản xuất và đạt lợi nhuận tối đa giúp nghề nuôi tôm nước lợ ngày càng ổn định và bền vững./.

Nguồn: TTDVNN L.An

Đăng bình luận