I/ Kết quả kiểm tra chất lượng môi trường nước (thu mẫu nước ngày 15/10/2020)
1. Nhiệt độ: Tại tất cả các điểm quan trắc nhiệt độ đều thích hợp để nuôi tôm (đạt 29 – 30oC).
2. pH: Tại điểm quan trắc thuộc Cần Giuộc có pH đạt 7,0, thích hợp để nuôi tôm. Các điểm còn lại pH thấp, không thích hợp nuôi tôm (dao động từ 5,0 – 6,5).
3. Độ mặn: Phần lớn các điểm quan trắc có độ mặn thấp, không thích hợp để nuôi tôm (đạt giá trị 0 – 4‰), trừ các điểm thuộc huyện Cần Giuộc.
4. Độ kiềm: Phần lớn các điểm quan trắc có độ kiềm thấp, không thích hợp để nuôi tôm (dao động từ 21,8 mg/l – 65,4 mg/l) trừ điểm quan trắc cầu Ông Chuồng, huyện Cần Giuộc.
5. Độ trong: Các điểm quan trắc thuộc huyện Châu Thành và Cầu Nổi huyện Cần Đước có độ trong thấp, không thích hợp để nuôi tôm (dao động từ 10 – 15 cm). Các điểm còn lại có độ trong thích hợp.
6. Hàm lượng oxy hòa tan: Các điểm quan trắc thuộc huyện Cần Đước và Châu Thành có hàm lượng oxy hòa tan thấp, không thích hợp để nuôi tôm (đạt 3,0 mg/l).
7. Hàm lượng NH3: Tất cả các điểm quan trắc đều không thấy sự hiện diện của hàm lượng NH3, thích hợp để nuôi tôm.
8. Hàm lượng NO2: Tại điểm quan trắc cầu Ông Chuồng thuộc huyện Cần Giuộc có hàm lượng NO2 cao, không thích hợp để nuôi tôm (đạt giá trị 2 mg/l).
II/ Kết quả phân tích chất lượng môi trường nước ngày 29/9/2020
1. Kim loại nặng
Hàm lượng sắt: Phần lớn các điểm quan trắc có hàm lượng sắt trong nước khá cao, dao động từ 1,06 – 2,99 mg/l (giới hạn cho phép 1 mg/l).
Hàm lượng Cadimi (Cd), Thủy ngân (Hg), Chì (Pb): Tại tất cả các điểm quan trắc đều không có sự xuất hiện của hàm lượng Cadimi, thủy ngân và chì trong nước.
2. Vi khuẩn
– Vi khuẩn Vibrio tổng số: Có sự xuất hiện của vi khuẩn Vibrio tổng số trong nước, dao động từ 10 – 300 CFU/ml, đều ở mức rất thấp so với ngưỡng cho phép (giới hạn cho phép 103 CFU/ml), thích hợp cho nuôi tôm.
– Vi khuẩn gây phát sáng: Không có sự hiện diện của vi khuẩn này trong nước ở tất cả các điểm quan trắc.
– Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus: Phần lớn các điểm quan trắc đều có sự xuất hiện của vi khuẩn này, trừ các điểm quan trắc tại Châu Thành và Tân Trụ.
3. Nhu cầu oxy hóa học (COD): Đa số các điểm quan trắc có hàm lượng COD trong nước cao so với ngưỡng cho phép, dao động từ 20 – 71 mg/l, (giới hạn cho phép 15 mg/l), không thích hợp cho nuôi tôm.
4. Tổng chất rắn lơ lửng (TSS): Phần lớn các điểm quan trắc có hàm lượng chất rắn lơ lửng trong nước cao, dao động từ 32 – 118,5 mg/l (giới hạn cho phép 30 mg/l), không thích hợp cho nuôi tôm.
III/ Nhận xét chung
– Qua kết quả quan trắc, phần lớn các yếu tố môi trường nước chưa phù hợp đối với sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi như pH, độ mặn, độ kiềm, oxy hòa tan, COD, TSS.
– Dự báo thời tiết: Từ đêm 15-25/10, chiều tối và tối có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; riêng từ 16-18/10, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
IV/ Khuyến cáo
– Theo diễn biến tình hình thời tiết, chất lượng môi trường nước quan trắc, các hộ dân không nên thả giống trong thời gian này.
– Hiện nay, trời đang vào mùa mưa bão. Do đó, người nuôi tôm cần lưu ý gia cố bờ ao cẩn thận, bón vôi bờ ao để tránh hiện tượng rửa trôi phèn và thường xuyên theo dõi tôm nuôi, tình hình thời tiết, dịch bệnh, chất lượng môi trường nước ao nuôi và nước cấp để có biện pháp xử lý kịp thời.
– Đối với các diện tích ao đang nuôi tôm cần tăng cường bổ sung vitamin, khoáng, giải độc gan và men đường ruột vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi; nâng cao độ kiềm đạt 80 – 120mg/l bằng các sản phẩm như: Dolomite, Alkaline, supercanxi. Thường xuyên theo dõi tình hình mưa bão để tháo lớp nước mặt, tăng cường chạy quạt cung cấp oxy cho tôm.