Thursday, 25 Apr 2024
Tin tức

Quản lý chất thải trong ao nuôi tôm

Ngành công nghiệp nuôi tôm đang ngày càng phát triển, từ những hình thức nuôi đơn giản như nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến cho đến phát triển thành bán thâm canh, thâm canh và thậm chí là siêu thâm canh. Những tiến bộ đó đã tạo ra sản lượng tôm khá lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Song song đó, hoạt động nuôi tôm đã thải ra bên ngoài một lượng lớn chất hữu cơ chưa được xử lý dễ dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Để hướng tới một ngành công nghiệp nuôi tôm ổn định và bền vững, người nuôi cần lưu ý áp dụng một số biện pháp dưới đây để quản lý chất thải một cách hiệu quả nhất:

– Chuẩn bị ao nuôi thật kỹ, ưu tiên sên vét, loại bỏ bùn đáy ao sau mỗi vụ nuôi một cách triệt để. Gia cố bờ ao chắc chắn, tránh sự xói mòn do dòng chảy của quạt nước hoặc do trời mưa.

– Chọn nguồn nước cấp thích hợp: nguồn nước ít chất lơ lửng, không có tảo và nên cấp nước từ ao lắng đã qua xử lý là tốt nhất.

– Quản lý tốt thức ăn: chất lượng thức ăn kém dẫn đến hệ số chuyển đổi thức ăn cao, hoặc do độ tan rả thức ăn trong nước lớn làm cho tôm không sử dụng hết thức ăn, hoặc do việc điều chỉnh thức ăn không phù hợp, vị trí cho tôm ăn không phù hợp sẽ dẫn đến dư thừa thức ăn trong ao. Ðể làm tốt điều này cần phải chọn loại thức ăn có chất lượng cao và sử dụng thức ăn cho tôm nuôi một cách hợp lý, tránh hiện tượng thừa thức ăn.

– Quản lý tốt màu nước ao nuôi bằng cách sử dụng các loại vôi, khoáng chất và biện pháp thay nước một cách hợp lí để duy trì sự phát triển của tảo trong ao nuôi. Trong suốt vụ nuôi, người nuôi cần thường xuyên sử dụng các dòng vi khuẩn có lợi hợp lý như các nhóm vi khuẩn dị dưỡng (nhóm bacillus, lactobacillus,…) và nhóm vi khuẩn quang hợp (nhóm rhodobacter,…) để phân hủy nhanh chất hữu cơ, loại bỏ khí độc và kiểm soát tảo.

– Gom tụ chất thải và tránh khuấy động chất thải trong ao nuôi: giải pháp tối ưu hiện nay đang được áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả cao là thiết kế ao nuôi có hệ thống xi-phông đáy ở giữa ao, kết hợp với quạt nước tạo dòng chảy để tăng cường oxy và gom tụ chất thải vào hố xi-phong. Từ đó, chất thải được bơm ra khỏi ao. Mỗi ngày có thể bơm xi-phông 3 – 4 lần tùy vào mức độ ô nhiễm đáy ao. Sau mỗi lần xi-phông nên kết hợp châm bù nước để đảm bảo giữ mực nước ổn định trong ao.

Như vậy, để nuôi tôm thành công, ngoài việc áp dụng các công nghệ nuôi tiên tiến tạo ra sản lượng cao thì việc quản lý chất thải hiệu quả hạn chế ô nhiễm môi trường sẽ là giải pháp tối ưu giúp nghề nuôi tôm luôn ổn định và bền vững./.

Đăng bình luận