Thursday, 18 Apr 2024
Tin tức

Những lưu ý đầu vụ nuôi tôm năm 2020

Tính đến cuối tháng 2 năm 2020, tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh Long An là 1.416,8 ha, đạt 21,5% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích xuống giống tôm sú là 261,7 ha. Còn lại là tôm thẻ chân trắng.

Ở thời điểm này, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, biên độ dao động nhiệt giữa ngày và đêm khá lớn. Sự thay đổi này làm ảnh hướng không nhỏ đến hoạt động nuôi trồng thủy sản nói chung và đặc biệt nuôi tôm nước lợ nói riêng. Cụ thể, đầu vụ tôm 2019, toàn tỉnh có 29,8 ha tôm bị bệnh do sốc môi trường.

Để giúp vụ nuôi tôm năm 2020 đạt thắng lợi, người nuôi cần lưu ý một số yếu tố sau:

Thứ nhất, người dân nên thả nuôi theo đúng khung lịch thời vụ. Thời gian thả giống bắt đầu từ ngày 03/01/2020 (nhằm ngày 9/12/2019 âl) đến ngày 16/09/2020 (nhằm ngày 29/7/2020 âl). Thời gian nuôi tôm nước lợ bắt đầu từ ngày 03/01/2020 (nhằm ngày 9/12/2019 âl) đến ngày 30/11/2020 (nhằm ngày 16/10/2020 âl).

Thứ hai, thường xuyên theo dõi báo cáo kết quả quan trắc môi trường nước tại khu vực nuôi, do Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản thực hiện, được thông báo trên đài truyền thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác, từ đó, giúp người nuôi quyết định thời điểm cấp nước vào ao phù hợp.

Thứ ba, thực hiện tốt các khâu kỹ thuật nuôi như:

+ Áp dụng các biện pháp cải tạo ao thật tốt và phải đảm bảo đủ thời gian cách ly mầm bệnh. Người nuôi luôn có tâm lý nôn nóng thả sớm để bù lại phần tôm đã bị thiệt hại nên không đủ thời gian cách ly mầm bệnh (tối thiểu 30 ngày). Chính vì vậy mà mầm bệnh luôn tồn lưu trong ao và khi thả tôm xuống với môi trường không tốt thì dịch bệnh dễ phát sinh. Luôn giữ mực nước tối thiểu 1,3 m để hạn chế tôm sốc nhiệt.

+ Nên chọn mua con giống đã qua kiểm dịch và kết hợp sử dụng các biện pháp kiểm tra như test nước ngọt, test formol để đảm bảo chất lượng con giống tốt trước khi thả xuống ao. Nên chọn những cơ sở sản xuất giống có uy tín và được nhiều người dân tin dùng để giảm thiểu rủi ro.

+ Thả nuôi với mật độ phù hợp: đối với tôm sú: Thả nuôi 02 vụ/năm, mật độ thả từ 15 – 25 con/m2. Tôm chân trắng: Thả nuôi 02 vụ/năm, mật độ thả từ 60 – 80 con/m2.

+ Chỉ được nuôi ở những vùng chủ động nguồn nước, có hệ thống quạt nước, có ao lắng, có hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt, người nuôi thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

+ Ngoài ra, người dân nên thiết kế hố thu gom chất thải ở giữa ao và hệ thống xiphon để định kỳ hút chất cặn bã, thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi ra ngoài, hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi. Đồng thời, áp dụng những công nghệ tiên tiến vào quy trình nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng như nuôi tôm hai giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý ao nuôi, dùng máy cho ăn tự động, sục khí ao nuôi, …. Các cơ sở nuôi tôm nên liên kết với nhau hình thành Tổ hợp tác sản xuất, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp cung ứng con giống, vật tư thủy sản có uy tín, chất lượng.

Người dân nên quan tâm lưu ý những khuyến cáo trên để áp dụng vào điều kiện nuôi cụ thể của mình nhằm giúp vụ tôm năm 2020 được thắng lợi./.

Đăng bình luận