Friday, 29 Mar 2024
Tin tức

Một số lưu ý trong ương cá tra giống năm 2019

Tính đến cuối tháng 3/2019, tổng diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang ương cá tra giống của tỉnh Long An khoảng 2.882,7 ha. Hiện có 06 huyện đào ao để nuôi cá gồm: Tân Hưng 1.408,2 ha; Vĩnh Hưng 162,2 ha; Tân Thạnh 1.136,5  ha; Mộc Hóa 75,5 ha, Thạnh Hóa 100,3 ha. Do phát triển tự phát và ồ ạt nên cuối năm 2018, cá nuôi bị nhiễm bệnh khá nhiều, có tỉ lệ cá chết dao động từ 10 – 30%. Cá bệnh có dấu hiệu xuất huyết, thối đuôi, phù đầu, trắng mang và gan thận mủ.
Nhằm tránh những dịch bệnh nêu trên và để vụ ương nuôi cá tra giống năm 2019 đạt thắng lợi, người nuôi cần lưu ý một số kỹ thuật ương nuôi cá tra đạt năng suất, chất lượng:

Thứ nhất, chọn ao nuôi có diện tích ao phụ thuộc vào cỡ cá, phù hợp nhất từ 2.000 – 10.000 m2, độ sâu từ 1,5 – 2,5 m và gần nguồn nước cấp, thoát, cũng như thuận tiện giao thông. Trước khi thả giống, cần diệt tạp, khử trùng kỹ bằng Chlorine 25 – 30 ppm. Sau 7 ngày dùng chlorine tiến hành xử lý gây màu nước, trứng nước và trùng chỉ liên tục trong 3 ngày bằng các sản phẩm có bán trên thị trường. Sau đó, kiểm tra và điều chỉnh các yếu môi trường phù hợp rồi thả cá.
Lưu ý chọn cá bột được mua từ cơ sở sản xuất uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, cơ sở có thực hiện tốt khâu chọn lọc cá bố mẹ hàng năm. Cá bơi lội linh hoạt, không dị hình hoặc tỷ lệ dị hình thấp (≤ 3%). Tính toán sao cho khi về đến ao thì cá bột được 24 – 28 giờ tuổi. Mật độ thả phù hợp từ 500 – 1.000 con/m2.

Thứ hai, cho cá ăn đúng khẩu phần:
Tính cho 1.000.000 cá bột thả ương
Trong tuần thứ nhất (tính từ ngày thả cá bột): Cần cung cấp chất dinh dưỡng cho các loài thức ăn tự nhiên phát triển như (Moina), luân trùng (brachionus),… đây là nguồn thức ăn tự nhiên ban đầu, rất quan trọng cho sự phát triển của cá tra bột. Sử dụng bột đậu nành: 250 – 300 g/lần, tạt 3 – 4 lần/ngày (hòa với nước, tạt đều xuống ao) và sản phẩm gây nuôi trứng nước, sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì.
Sang tuần thứ hai, sử dụng thức ăn công nghiệp dạng bột (40% protein) 500g và bột đậu nành 250 g. Hỗn hợp này hòa tan vào nước rồi tạt đều khắp ao. Mỗi ngày tạt xuống ao 3 – 4 lần. Trong tuần này, cứ mỗi ngày tăng lên khoảng 15 – 20% lượng thức ăn của ngày hôm trước.
Tuần thứ ba: Dùng thức ăn viên dạng nổi (cỡ 0,6 mm và 40% protein). Một ngày cho ăn 3 – 4 lần. Lượng thức ăn cần điều chỉnh theo sức ăn thực tế của cá. Tập cho cá “gom cầu” để dễ dàng trong việc quản lý sức khỏe của cá và điều chỉnh lượng thức ăn.
Tuần thứ tư trở đi: Cho cá ăn bằng thức ăn viên dạng nổi (cỡ viên 0,8; 1.0 và 1,5 mm chứa 35% protein), cỡ viên 2,0 mm chứa 30% protein. Khẩu phần ăn khoảng 6 – 10% trọng lượng cá trong ao. Một ngày cho cá ăn 3 lần (cần điều chỉnh lượng thức ăn theo sức ăn thực tế của cá).
Chú ý: khi bắt đầu sử dụng thức ăn viên, cần bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển và phòng bệnh cho cá (trộn vào thức ăn) như vitamin C, Premix khoáng, men vi sinh, men tiêu hóa, sorbitol, β glucan.
Thứ ba, chăm sóc, quản lý tốt ao nuôi: việc chăm sóc cá ương trong ao rất quan trọng vì nếu chăm sóc tốt thì cá lớn nhanh, đồng cỡ và có sức đề kháng với bệnh tật tốt. Cụ thể:
+ Bắt đầu từ đầu tuần thứ ba (tính từ lúc thả cá bột), định kỳ 7 –10 ngày/lần:Thay nước đáy ao, mỗi lần khoảng 30 – 40% lượng nước cũ.
            + Dùng Iodine tạt xuống ao với liều lượng 0,2 – 0,5 g/m3 nước (tùy theo cỡ cá). Nên thực hiện lúc trời mát.
            + Dùng men vi sinh, chất chiết xuất ca Yucca tạt xuống ao để cải thiện chất lượng nưóc (theo hướng dẫn của nhà sản xuất).
            + Trong ao ương có sự hiện diện của địch hại, cần thiết phải tìm mọi biện pháp diệt chúng. Đặc biệt, trong tuần lễ đầu tiên (tính từ khi lọc nước vào ao; cần phải vớt trứng ếch nhái thật kỹ vào mỗi buổi sáng (nếu có).
+ Hằng ngày, cần theo dõi tình trạng hoạt động, ăn mồi của cá để có biện pháp xử lý kịp thời. Thức ăn cần bổ sung các loại dưỡng chất để tăng sức đề kháng cho cá như vitamin C, Premix khoáng, men vi sinh, men tiêu hóa, sorbitol, β glucan. Đặc biệt, trong quá trình ương, không nên hoặc rất hạn chế sử dụng kháng sinh vì nếu sử dụng cá dễ bị “lờn thuốc” và ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của cá. Để kích thích sự tăng trưởng của cá và phòng những bệnh có liên quan đến gan, khi cá được 1 tháng tuổi trở lên cần định kỳ khoảng 1 tháng/lần dùng thuốc xổ lãi cho cá ăn để xổ giun sán ký sinh trong đường ruột (liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm).
                                                                                              DŨNG CÁ

Đăng bình luận