Thursday, 28 Mar 2024
Tin tức

Một số loài thủy đặc sản nuôi có triển vọng tại Long An

 Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản ở Long An phát triển mạnh nhất là con tôm sú đã góp phần chuyển đổi kinh tế thuần nông sang đa dạng kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, tạo thực phẩm, nguyên liệu cho chế biến thủy sản xuất khẩu. Do chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng nên nhiều địa phương trong tỉnh Long an đã chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do lợi nhuận từ con tôm đem lại khá cao nên tạo ra sự khai thác tài nguyên đất, nước quá mức dẫn đến môi trường ô nhiễm và nuôi tôm ngày càng khó khăn hơn.

Trong khi đó, điều kiện tự nhiên ở tỉnh Long An rất thuận lợi cho các loài thủy đặc sản phát triển, hiện nay mặt hàng thủy đặc sản đang được quan tâm là các mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng, cua thương phẩm … góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế. Do đó, việc nuôi luân canh sau vụ sú, hay nuôi chuyên canh các đối tượng này là vấn đề cần xem xét nhằm đảm bảo về mặt kinh tế, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
Thứ nhất, đối với cá chình, đây là một loài thủy đặc sản có giá trị cao, đang được quan tâm và nuôi với quy mô lớn ở các tỉnh Đồng bằng sông cửu Long. Với mô hình nuôi này, người dân lưu ý: Ao nuôi cá chình thường là ao đất, có diện tích khá nhỏ: 200 – 300 m2/ao, độ sâu ao: 1 – 1,4 m, có dạng hình chữ nhật: 4 – 6m x  40 – 50m. Mỗi hộ nuôi thường có nhiều ao để đáp ứng quy trình nuôi nhằm để san cá khi lọc cở và điều trị bệnh. Đối với cá này, mật độ thấp từ 0,7 – 1 con/m2. Quy trình nuôi không thay nước, chỉ cấp nước khi cần. Về nguồn giống: Cá chình giống được thu gom từ tự nhiên ở các tỉnh miền Trung. Cỡ giống thả nuôi từ 30  – 50 g/con (20 – 30con/kg). Hiện nay, Trung tâm Thủy sản Long An có khả năng cung cấp con giống cá này. Để nuôi cá chình, người dân thường sử dụng thức ăn là cá tươi cắt nhỏ và cho vào sàng ăn. Sau thời gian nuôi 1-2 năm có thể thu hoạch với trọng lượng cá khoảng 1 – 1,5 kg/con.
          Thứ hai, đối với cá Bống tượng, đây là loài cá nước ngọt rất có giá trị, giá bán 1 kg cá thương phẩm trên thị trường khoảng 200.000  – 300.000 đ. Một số địa phương đã thành công trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá bống tượng như Tiền Giang, Bến tre, Cần Thơ, Bạc liêu, Cà mau, …. Mặc dù công nghệ sản xuất giống cá bống tượng đã thành công về tỉ lệ sinh sản (tỉ lệ nở, tỉ lệ sống của cá bột, …) nhưng vấn đề thức ăn cho các giai đoạn chuyển hóa, thức ăn cho nuôi thương phẩm ở quy mô công nghiệp chưa được giải quyết hiệu quả. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến năng suất nuôi và khả năng phát triển, nhân rộng của mô hình. Mặc dù vậy, do giá bán rất cao và nhu cầu tiêu thụ rất lớn nên các mô hình nuôi cá bống tượng thương phẩm vẫn rất có hiệu quả kinh tế. Mô hình nuôi với tỉ lệ sống 30 – 35 %, sử dụng thức ăn cá tạp, hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) là 8/1, giá thành sản xuất dao động từ 60.000 – 70.000 đ/kg, trong khi giá bán cá tại vùng nuôi do thương lái thu mua là 140.000 – 150.000 đ/kg.
          Thứ ba, đối với nuôi cua thịt thương phẩm, trước đây nhiều nông dân đã thu gom cua giống từ tự nhiên để nuôi. Tuy nhiên, các mô hình nuôi từ nguồn giống tự nhiên không đạt hiệu quả do không có được nguồn giống đồng cỡ, cùng loại. Đến nay, công nghệ sản xuất cua giống thành công đã hứa hẹn khả năng phát triển các vùng nuôi cua thương phẩm chuyên canh, tập trung. Để nuôi cua thịt người nuôi cần lưu ý: Nguồn giống chủ yếu là từ cua tự nhiên (cỡ 4 – 5 cm/con) hoặc cua giống nhân tạo giai đoạn 28 – 30 ngày tuổi. Phương thức nuôi phổ biến hiện nay là quảng canh cải tiến, nuôi ghép nhiều loài (tôm – cua – cá kèo) trong các đầm lớn hoặc nuôi đơn trong ao. Đối với nuôi đơn, mật độ thả tối đa 0.1 con/m2. Người nuôi thường sử dụng thức ăn là cá tươi. Với thời gian nuôi từ 4 – 8 tháng là có thể thu hoạch. Mô hình này thường có tỉ lệ cua sống khoảng 30 – 40 %. Cỡ thu hoạch thường là 0,2 – 0,4 kg/con.
Trên đây là những thông tin liên quan một số lòai thủy đặc sản có giá trị mà người dân có thể chuyển đổi trong thời gian tới. Tuy nhiên, để nắm rõ hơn về các kỹ thuật nuôi, người nuôi có thể liên hệ các cơ quan chức năng của tỉnh như Trung tâm Thủy sản, các trạm Khuyến ngư Đồng Tháp, Trạm khuyến ngư vùng Hạ để có những hướng dẫn tận tình giúp người nuôi có những định hướng tốt trong quá trình chuyển đổi đối tượng nuôi.
                                                                              
                                                                                     DŨNG CÁ

2 Comments

Đăng bình luận