Friday, 29 Mar 2024
Tin tức

Long An tăng cường quản lý việc nuôi tôm thẻ chân trắng

Ngày 04/3/2020, Văn phòng Tỉnh ủy Long An có công văn số 5104-CV/VPTU thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy giao UBND tỉnh Long An đẩy mạnh việc chỉ đạo, tăng cường quản lý tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng khu vực Đồng Tháp Mười.

Nuôi tôm thẻ chân trắng cặp bờ kênh 79, ấp 7, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa

Vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An đã có kết quả khảo sát tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, qua đó đã có văn bản kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy tăng cường giải pháp chấn chỉnh việc nuôi tôm thẻ khu vực Đồng Tháp Mười.

Theo kết quả khảo sát của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, hiện xã Tân Lập có 12 hộ đang nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 20,7ha, tại các ấp 2, 3 và 7. Ngoài ra, có 6 hộ đã đào ao nhưng chưa nuôi thả tôm với tổng diện tích 3,4ha tại ấp 3 và ấp 7.

Qua khảo sát cho thấy, các hộ đào ao nuôi tôm thẻ đều có vị trí cặp các kênh lớn, có giếng khoan lấy nước. Bên cạnh ao nuôi có ao trữ nước thải của ao nuôi sau khi thu hoạch để xử lý và lắng nước.

Tuy nhiên, việc các hộ nuôi tôm khẳng định sẽ lấy nước thải bơm trở lại ao nuôi để tiếp tục nuôi tôm là không chắc chắn (vì nguồn nước sau khi nuôi tôm đã bị ô nhiễm do có muối, vôi và nhiều tạp chất từ thức ăn của tôm).

Bên cạnh đó, khi quan sát nguồn nước kênh lớn cặp sát với các ao nuôi tôm đều có dấu hiệu ô nhiễm. Do đó, không loại trừ khả năng có đường ống thoát nước từ ao trữ nước thải ra kênh hoặc thẩm thấu qua bờ bao.

Tôm thẻ chân trắng vốn sống trong môi trường nước có độ mặn, nên mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng trong nước ngọt” thực chất vẫn phải tạo độ mặn cho nước. Với đặc tính của tôm sống ở vùng đáy, nên người dân chỉ cần làm mặn vùng đáy ao, vùng nước mặt vẫn ngọt hoàn toàn. Để làm mặn vùng đáy, người dân thường thả muối hột xuống đáy ao hoặc khoan giếng nước ngầm ở vùng đáy ao (độ mặn tỷ lệ 1/1.000).

Sau khi nghe các ý kiến từ nhân dân và nắm bắt thông tin từ chính quyền và cơ quan chức năng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề xuất, kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An chỉ đạo các Huyện ủy Mộc Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Thạnh Hóa và Thị ủy Kiến Tường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện Công văn số: 6483/UBND-KTTC ngày 18/11/2019 của UBND tỉnh Long An về việc tăng cường quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt; việc đào giếng khoan lấy nước ngầm. Kiên quyết xử lý các hộ cố tình vi phạm. Đối với các hộ đang nuôi thì thu hoạch xong phải ngừng nuôi. Đối với những hộ đã và đang đào ao hoặc chuyển từ ao nuôi cá tra sang nuôi tôm thì phải cương quyết xử lý không cho nuôi tôm.

UBND tỉnh Long An chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu văn bản và hướng dẫn cụ thể cho phòng Tài nguyên – Môi trường các huyện Mộc Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Thạnh Hóa và TX Kiến Tường tổ chức thực hiện và xử lý các hộ vi phạm việc khoan giếng nước trái phép. Đồng thời, UBND tỉnh Long An chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức Hội thảo “Nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt tại vùng Đồng Tháp Mười” tại xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa mời các nhà khoa học có uy tín, các hộ dân trong khu vực đến dự. Qua đó, phát huy được hiệu quả công tác tuyên truyền về những hậu quả, tác hại lâu dài của việc nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt đối với môi trường nước và đất tại khu vực Đồng Tháp Mười./.

Được biết, UBND tỉnh Long An chỉ đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng thời UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai, hướng dẫn cụ thể cho phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện Mộc Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Thạnh Hóa và TX Kiến Tường tổ chức thực hiện xử lý các hộ vi phạm việc khoan giếng trái phép trên địa bàn. Kết quả xử lý do Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp và báo cáo về UBND tỉnh chậm nhất ngày 15/4/2020.

Minh Đăng – Nguồn Baolongan.com

Đăng bình luận