Thursday, 25 Apr 2024
Tin tức

Bài 2: Tôm đổ bệnh, người nuôi trắng tay

Chuyện tưởng như đùa, nhưng đó là những tâm sự từ đáy lòng của người nuôi tôm thẻ chân trắng ở tỉnh hiện nay khi nuôi tôm ngày càng khó khăn. Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển rất lâu, khi đó người có tiền mới đầu tư nuôi tôm. Nhiều người mong muốn nuôi tôm nhanh chóng đổi đời, thế nhưng tôm nuôi ngày càng phát sinh dịch bệnh và có chiều hướng lao dốc… khiến họ trắng tay.

Nuôi tôm trúng giá, tôm phát triển tốt thì người nuôi có lãi cao, nhưng tôm bị dịch bệnh không thu hoạch được thì xem như mất trắng. Vì vậy, người nuôi tôm luôn truyền tai nhau câu nói vui: “Nuôi tôm mà trúng là trời cho, trượt là… trò chơi”.

Dịch bệnh hoành hành

Đến thời điểm này, toàn tỉnh thả nuôi 1.667,3ha tôm, đạt 23,5% kế hoạch, bằng 75,6% so cùng kỳ năm 2019. Lũy kế đến nay, diện tích tôm thiệt hại trên 33,77ha (trong đó, đốm trắng 2,75ha; nghi sốc môi trường 15,8ha), chiếm 2,1% so với diện tích thả nuôi và bằng 61,8% so cùng kỳ năm 2019. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ – Đoàn Văn Hoàng, toàn huyện có diện tích ao nuôi hàng năm trên 660ha. Thời gian qua, nuôi tôm mang lại hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, dịch bệnh trên tôm vẫn thường xảy ra. Từ đầu năm 2020 đến nay, tổng diện tích tôm bị hư hại do bệnh đốm trắng và sốc nhiệt là 5,85ha, gây ảnh hưởng năng suất, lợi nhuận.

Chất lượng con giống ảnh hưởng rất nhiều nghề nuôi tôm

Theo quan sát của chúng tôi, hiện nhiều ao trên địa bàn huyện Tân Trụ bỏ trống, máy sục đảo oxy nằm chỏng chơ trong ao đã cạn nước như báo hiệu một vụ mùa không thuận lợi. Đến thời điểm này, toàn huyện chỉ nuôi khoảng 55,05ha, trong đó có hơn 15ha tôm sú, còn lại là tôm thẻ chân trắng. Anh Võ Văn Nhựt Nam, ngụ xã Nhựt Ninh, có thâm niên nuôi tôm trên 10 năm thở dài ngao ngán: Nuôi tôm bây giờ như mua vé số. Nếu được mùa, người nuôi như trúng số độc đắc, còn thất bại thì như kẻ trắng tay. Dịch bệnh kéo dài từ năm này sang năm khác và không có hồi kết nên người nuôi chán nản bỏ ao hoặc cho người khác mướn. “Gia đình tôi trước năm 2010 nuôi tôm thâm canh quy mô lớn, nhưng càng nuôi càng lỗ rồi cạn vốn, bây giờ chỉ còn lại 1 ao khoảng 5.000m2. Nếu cố gắng thì mỗi vụ kiếm được hơn chục triệu đồng, còn không thì lỗ. Bây giờ, có ao không nuôi tôm cũng không biết làm gì” – anh Nam tâm sự. Nhiều người nuôi tôm thua lỗ phải rời ao, bỏ đi tứ xứ kiếm việc khác để mưu sinh, nhưng cũng có người luôn ấp ủ ước mơ làm giàu. Chỉ cần có người thông báo cho thuê ao thì có người khác nhảy vào. Ông Nguyễn Văn C., ngụ xã Nhựt Ninh, cho biết, vừa mới thuê 4 ao (hơn 1ha) với giá 60 triệu đồng/năm của người chủ trước. “Do vừa thả nuôi nên tôi không biết kết quả như thế nào. Nhưng thấy những hộ xung quanh nuôi tôm chết nhiều vì dịch bệnh nên tôi cũng e ngại. Chứ những vụ trước, tôi thuê ao trung bình mỗi năm kiếm được vài trăm triệu đồng” – ông C. chia sẻ.

Không ngoại lệ, nhiều người nuôi tôm tại huyện Châu Thành cũng gặp khó khăn khi điều kiện thời tiết bất lợi. Anh Nguyễn Văn Hiệp, ngụ xã Thuận Mỹ, vừa rồi phải thu hoạch tôm sớm do dịch bệnh. Anh Hiệp nói: “Hiện nay, thời tiết phức tạp ảnh hưởng rất nhiều đến việc nuôi tôm, dễ phát sinh dịch bệnh. Gia đình tôi đã đầu tư hơn 200 triệu đồng cho gần 1ha tôm thẻ chân trắng. Tôi không thể ngờ rằng phải thu hoạch sớm 0,4ha khi mới thả nuôi được hơn 1 tháng do tôm bị bệnh gan tụy. Hiện chỉ còn gần 0,6ha, tôm được 45 ngày, ước tính khoảng 110 con/kg. Giá tôm vẫn còn quá thấp, không biết làm sao lấy lại vốn. Vụ này lỗ là cái chắc!”.

“Xung quanh đây, nhiều hộ dân cũng buộc phải thu hoạch tôm sớm hơn dự định do ảnh hưởng dịch bệnh. Bệnh trên tôm mà chúng tôi hay gặp phải là đốm trắng, gan tụy,… Nếu dính vào những bệnh đó, xem như tôm khó mà phát triển” – anh Hiệp than thở.

Cần chủ động phòng bệnh

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ – Đoàn Văn Hoàng, địa phương vẫn đang tìm giải pháp để giúp người nuôi tôm đạt hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn: Nhiều năm trước, các xã đều khuyến cáo người nuôi thả giống có nguồn gốc nhưng tôm vẫn chết do điều kiện thời tiết; các ao nuôi tự phát nên hệ thống kênh, mương không có ao cấp, thoát riêng biệt; ô nhiễm môi trường nuôi,… Hiện chỉ có một số vùng được quy hoạch nhưng cũng chưa được đầu tư bài bản. Muốn có vùng nuôi an toàn, phải đầu tư quy hoạch rõ ràng nhưng kinh phí hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng…”.

Nông dân phải thu hoạch sớm vì tôm nhiễm bệnh

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh – Nguyễn Thanh Toàn khuyến cáo: “Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi, người nuôi cần cải tạo ao nuôi chu đáo, đúng quy trình; thả tôm nuôi với mật độ phù hợp. Bên cạnh đó, phải thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường trong ao nuôi để có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời. Đồng thời, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất diệt khuẩn nhằm ổn định môi trường ao nuôi. Ngoài ra, người nuôi nên cho tôm ăn đúng khẩu phần, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, vi lượng để tăng cường sức đề kháng cho tôm. Cùng với đó, người nuôi cần thường xuyên liên lạc và nắm bắt các thông tin diễn biến về dịch bệnh để có biện pháp phòng ngừa thích hợp như thay nước, tăng tần suất kiểm tra tôm nuôi. Đối với những ao nuôi khi phát hiện tôm có dấu hiệu không bình thường như ăn nhiều hơn một cách bất thường hoặc giảm ăn, có đốm trắng trên vỏ, đỏ thân, đen mang, bơi lờ đờ, không định hướng,… cần báo ngay với cán bộ khuyến ngư, thú y nơi gần nhất để lấy mẫu xét nghiệm nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh và xử lý kịp thời để có được một vụ tôm thắng lợi”.

Bên cạnh dịch bệnh, chất lượng con giống luôn là vấn đề người nuôi rất quan tâm và cũng là một trong những nguyên nhân xuất hiện dịch bệnh. Khảo sát cho thấy, người nuôi tôm ở các huyện vùng hạ chủ yếu thả giống trôi nổi trên thị trường, chứ không thả giống có nguồn gốc, uy tín được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương khuyến cáo. Anh Cao Văn Linh, ngụ xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, cho biết: “Do liên tục thua lỗ nên người nuôi giờ hết tiền xoay sở để đầu tư. Hơn nữa, người nuôi cũng không tin tưởng giống, phần lớn con giống do các “cò” tôm giống giới thiệu cho người dân. Nói tôm chất lượng, chúng tôi biết vậy, chứ kiểm nghiệm được đâu. Nếu tôm chất lượng, kháng được bệnh thì tại sao vụ vừa qua, tôi thả nuôi chưa được 1 tháng đã chết sạch, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Bên phía cung cấp tôm giống chấp nhận thả lại miễn phí nhưng sao chúng tôi dám thả”. Còn anh Mai Bá Phụng, ngụ cùng địa phương, bức xúc: “Từ trước đến nay, tôi thả nhiều loại giống của các công ty. Trong quá trình nuôi thấy con giống như nhau cả, chưa chắc giống nào tốt hơn giống nào. Nhiều người thả nuôi giống tôm trôi nổi nhưng rất đạt, nhưng cũng có người thả tôm chất lượng thì lại chết”. Cũng theo anh Phụng, hệ thống kênh, mương cấp thoát nước trong nuôi trồng chưa đạt cũng là nguyên nhân thất bại. Khi có hộ nuôi tôm bị dịch bệnh, xả thẳng ra môi trường kéo theo các hộ khác bị “dính”. Ngoài ra, việc nuôi tôm thất bát còn do biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài, ô nhiễm môi trường nước,… Vì vậy, người nuôi cần chủ động trong phòng, chống dịch bệnh trên tôm.

Rời huyện Tân Trụ, Châu Thành, chúng tôi hiểu được nỗi lòng của người nuôi tôm, cảm thấy buồn khi nghe các hộ nuôi tôm nói “giờ đây hộ nào lãi nhiều nhất đến trăm triệu là giỏi lắm rồi”./.

(còn tiếp)

Huỳnh Phong – Bùi Tùng – Kim Thoa

Nguồn “Báo Long An online”

Đăng bình luận